Môi trường

7 ngày ô nhiễm không khí cao ngất: Hà Nội bị động tìm biện pháp khắc phục?

Theo các chuyên gia pháp lý, Hà Nội đang bị động trong việc tìm nguyên nhân chính cũng như biện pháp khắc phục triệt để.

7 ngày ô nhiễm không khí cao nhất thế giới

Trong những ngày qua, chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô Hà Nội không có ghi nhận chủ yếu ở mức "xấu" và "rất xấu".

Theo báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng, điều kiện thời tiết là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí cho toàn khu vực miền Bắc trong giai đoạn này. Với tình hình khí tượng chung như khí áp tăng cao, trời lặng gió, không mưa, nhiệt độ thấp làm cho không khí bị tù hãm, chất ô nhiễm thải ra hàng ngày khó phát tán lên cao và bay ra xa. Điều này gây nên tình trạng tăng đột biến các hạt bụi lơ lửng có kích thước bé như PM2.5.

Chất lượng không khí từ ngày 7/12 đến 13/12 đang có xu hướng xấu đi, đặc biệt, trong mấy ngày gần đây, chỉ số AQI giờ đo được tại một số trạm ở Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu. Nhất là trong ngày 14/12, chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội theo hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường (bộ Tài nguyên và Môi trường) đặt tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội tiếp tục đưa ra cảnh báo “màu tím”- ngưỡng ô nhiễm không khí “rất xấu” và nhận định “những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn”.

Theo dự báo thời tiết, khoảng thứ 4 tuần sau (ngày 18/12) có thể có mưa, do đó, trong một vài ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức xấu. Mọi người kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2 khi đi ra đường.

Không khí tại Hà Nội lúc 11h ngày 15/12.

Tuy nhiên đây không phải đợt đầu tiên ô nhiễm không khí tại Hà Nội tái diễn, nhưng các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này vẫn không có một một phương án hay đề xuất cụ thể nào. Tất cả chỉ là những cảnh báo tạm thời hoặc như “làm tròn trách nhiệm”.

Hà Nội loay hoay ... tìm giải pháp

Phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) về vấn đề này, theo luật sư Ứng, Hà Nội bị động trong việc xử lý ô nhiễm không khí.

Luật sư Ứng nêu quan điểm, vấn đề ô nhiễm khí là vấn đề lớn chứ không phải chỉ một mình Hà Nội, trách nhiệm của toàn nhà nước nói chung trong việc xử lý ô nhiễm không khí.

Ngoài ra, đây cũng vấn đề trên phạm vi toàn cầu, là vấn đề bức xúc nhức nhối không chỉ là chúng ta mà kể cả một số các nước lân cận cũng xảy ra tình trạng ô nhiễm xạ. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng diễn biến của ô nhiễm không khí rất bất ngờ, chúng ta chưa theo kịp được xu thế của nó.

“Về nguyên nhân gây ra ô nhiễm cũng có nhiều chuyên gia đã đánh giá và đưa ra, nhưng chúng ta vẫn chưa chốt được nguyên nhân chính, chưa chỉ ra được nguyên nhân trọng tâm, nên cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay với câu chuyện này. Dẫn đến câu chuyện tại sao Hà Nội lại chậm trễ như vậy trong 7 ngày nay, thực tế đây không phải đợt đầu”, luật sư Ứng nhấn mạnh.

Luật sư Bùi Đình Ứng.

Luật sư Ứng cũng cho hay, chúng ta nên chung sức cùng nhau chia sẻ với chính quyền thủ đô về vấn đề đưa ra các biện pháp khẩn cấp thế này. Bởi Hà Nội không thể chủ động biết ngày nào sẽ là ngày ô nhiễm không khí.

Biện pháp đầu tiên chính là khẩn trương tổ chức những hội nghị khoa học, tìm ra nguyên nhân chính, giải pháp hữu ích nhất để hạn chế giảm thiểu vấn đề ô nhiễm.

Hà Nội cần tăng cường công tác cảnh báo tại các điểm quan trắc, tuyên truyền sớm cho người dân chủ động tìm biện pháp phòng tránh.

Chỉ đạo khẩn cấp cho các cơ sở y tế, bệnh viện tăng cường dự trữ các loại thuốc, làm sao khi xảy ra ô nhiễm thì chúng ta là có những kinh nghiệm để cho các bệnh viện kịp thời chữa bệnh cho nhân dân, đặc biệt là cho các trẻ em, người già chủ động.

Đồng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc công ty Luật LSX) cho biết, đây là trách nhiệm của toàn nhà nước phải tìm biện pháp khắc phục triệt để cho người dân bớt khổ. Ngoài ra người dân cũng cần lên tiếng phản ánh với chính quyền về vấn đề nghiêm trọng này.

Theo luật sư Lực, người dân nên gọi điện phản ánh vào số điện thoại đường dây nóng 086 9000 660 của Tổng cục Môi trường yêu cầu giải pháp môi trường.

“Chính bản thân tôi vào thứ Bảy (14/12) đã gọi vào số đường dây nóng nhưng không ai nghe máy, tôi thiết nghĩ ô nhiễm cũng có ngày nghỉ chăng?”, luật sư Lực trăn chở.

Di Hân