Thế giới

62% người châu Âu ủng hộ ý tưởng của Tổng thống Pháp về Trung Quốc

Nhiều người châu Âu coi Trung Quốc là đối tác chiến lược hơn là đối thủ, nhưng sẵn sàng trừng phạt nếu Bắc Kinh cung cấp vũ khí cho Nga sử dụng ở Ukraine.

Gần 3/4 người châu Âu – tương đương 74% – nghĩ rằng cựu lục địa nên cắt giảm sự phụ thuộc quân sự vào Mỹ và đầu tư vào khả năng phòng thủ của chính mình, một báo cáo mới được Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) công bố hôm 7/6 cho thấy.

Báo cáo dựa trên một cuộc thăm dò với hơn 16.000 người tham gia từ 11 quốc gia, cũng cho thấy 62% người được hỏi muốn châu Âu giữ thái độ trung lập trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan – phù hợp với những tuyên bố gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trong một cuộc phỏng vấn với Politico hồi tháng 4 sau khi trở về từ chuyến thăm Trung Quốc, nhà lãnh đạo Pháp cho biết “rủi ro lớn” mà châu Âu phải đối mặt là để “bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”, ngăn cản châu Âu xây dựng tự chủ chiến lược của mình, đồng thời nói thêm rằng “lục địa già” không nên đi theo Mỹ hoặc Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan.

“Điểm chính từ cuộc khảo sát của chúng tôi là người châu Âu muốn thấy EU trở nên tự chủ hơn trong chính sách đối ngoại và xây dựng khả năng phòng thủ của riêng mình”, bà Jana Puglierin, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết.

“Đây không phải là những yêu cầu mới của EU, hoặc của các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên, nhưng điều này đã được nêu bật bởi cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc”, bà Puglierin nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đi dạo trong Vườn Thông ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, ngày 7/4/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Pháp. Ảnh: SCMP

Theo báo cáo của ECFR, 43% người châu Âu coi Trung Quốc là “đối tác cần thiết” – nghĩa là họ có xu hướng đồng ý với lập trường của ông Macron về Trung Quốc, trong khi 35% coi Bắc Kinh là “đối thủ” của đất nước họ.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm ông Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, gần đây đã tới Bắc Kinh. Một vài trong số này coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, trong khi những người khác coi gã khổng lồ châu Á là đối tác kinh doanh.

Khảo sát của ECFR cho thấy Đức và Thụy Điển là 2 quốc gia có lập trường “diều hâu” (cứng rắn) nhất đối với Trung Quốc.

Báo cáo còn cho thấy, nếu Bắc Kinh quyết định cung cấp đạn dược và vũ khí cho Nga, thì 41% người tham gia khảo sát cho biết sẽ sẵn sàng trừng phạt Trung Quốc, ngay cả khi điều đó có nghĩa là gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của chính họ.

Tuy nhiên, ở Hungary, Áo, Italy và Bulgaria, những người được hỏi cho biết họ không muốn áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Là đồng minh hàng đầu của Moscow, Trung Quốc đã tìm cách thể hiện mình là một bên trung gian trung lập trong cuộc chiến ở Ukraine, nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây đã chỉ trích những nỗ lực của Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc đã chọn phe trong cuộc xung đột.

Trung Quốc phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Moscow, đồng thời nỗ lực hiện thực hóa vai trò môi giới hòa bình của mình bằng cách cử Đặc phái viên công du tới các thủ đô châu Âu, bao gồm cả Kiev (Ukraine) và Moscow (Nga), để lắng nghe quan điểm của người châu Âu.

Những người tham gia khảo sát của ECFR cũng phản đối viễn cảnh Trung Quốc sở hữu cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu, chẳng hạn như cầu hoặc cảng (65%), các công ty công nghệ (52%) và sở hữu một tờ báo ở quốc gia của họ (58%).

Cuộc khảo sát của ECFR được thực hiện trực tuyến với người tham gia đến từ Áo, Bulgaria, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungary, Italy, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Trong phần tóm tắt về báo cáo của mình, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) nêu rõ:

Xung đột Nga-Ukraine đã cho người dân châu Âu thấy rằng họ đang sống trong một thế giới bất hợp tác. Nhưng bản năng chính sách đối ngoại hợp tác của họ chỉ đang dần thích nghi với thực tế mới này.

Người châu Âu muốn giữ thái độ trung lập trong một cuộc xung đột tiềm ẩn giữa Mỹ và Trung Quốc và miễn cưỡng giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc – ngay cả khi họ nhận ra những nguy cơ từ sự hiện diện kinh tế của nước này ở châu Âu. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc quyết định cung cấp vũ khí cho Nga, đó sẽ là một “lằn ranh đỏ” đối với phần lớn công chúng châu Âu.

Người châu Âu vẫn thống nhất về cách tiếp cận hiện tại của họ đối với Nga – mặc dù họ không đồng ý về chính sách của châu Âu đối với nước Nga trong tương lai.

Họ đã chấp nhận mối quan hệ gần gũi hơn của châu Âu với Mỹ, nhưng họ muốn ít phụ thuộc hơn vào các đảm bảo an ninh của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo châu Âu có cơ hội xây dựng sự đồng thuận của công chúng xung quanh cách tiếp cận của châu Âu đối với Trung Quốc, Mỹ và Nga. Nhưng họ cần hiểu điều gì thúc đẩy công chúng và truyền đạt rõ ràng về tương lai.

Minh Đức (Theo Politico, Euronews, ECFR)