Truyền thông

6 sai lầm khiến nhân viên giỏi bị đánh giá thấp

Không phải cứ có năng lực tốt là bạn sẽ luôn đảm bảo "trụ" vững ở nơi làm việc. Thực tế, một số thói quen có thể gây “nguy hiểm” cho công việc của bạn ngay cả khi bạn là một nhân viên giỏi, điển hình là 6 điều sau đây.

Cập nhật thông tin việc làm nhanh nhất tại careerlink.vn

Thích than vãn

Khi có việc gì xảy ra ngoài ý muốn, thậm chí chỉ là những việc nhỏ nhặt, bạn không ngừng kêu ca, than phiền. Bạn nên nhớ rằng, phàn nàn không giải quyết được gì, không chỉ khiến bạn thêm nản lòng mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của đồng nghiệp. Cách bạn phản ứng khi gặp khó khăn sẽ nói lên tinh thần, thái độ của bạn trong công việc. Cấp trên sẽ không muốn thấy trong đội nhóm của mình những nhân viên luôn có cái nhìn tiêu cực về mọi chuyện. Càng phàn nàn nhiều thì cũng đồng nghĩa với việc bạn càng có nguy cơ bị đánh giá thấp.

Kiểm soát cảm xúc kém

Bạn thường xuyên nổi nóng tại nơi làm việc. La hét, cáu giận đến mức thô lỗ với đồng nghiệp. Hoặc, đôi khi là lớn tiếng, khóc lóc vì những chuyện nhỏ nhặt. Nếu những việc này lặp lại nhiều lần, đồng nghiệp và cấp trên sẽ nhìn bạn với con mắt dè chừng, thiếu tôn trọng. Chẳng ai muốn làm việc với người dễ mất kiểm soát, vì không cẩn thận sẽ dính vào rắc rối. Và chính thái độ này sẽ khiến bạn bị đánh giá thấp và không nhận được cơ hội thăng tiến như mong muốn.

Quá tự phụ

Bạn thường tỏ thái độ và cư xử với mọi người trong nhóm như thể mình là “ngôi sao” ở nơi làm việc. Đòi quyền lợi nhiều nhất, giành công việc tốt nhất, thích chê bai người khác, tự cho mình giỏi nên không chịu học hỏi, không muốn hợp tác với đồng nghiệp… Trưởng phòng Nhân sự CareerLink chia sẻ, dù bạn có tài năng đến đâu thì những biểu hiện này cũng sẽ khiến mọi người chán ghét, xa lánh bạn. Việc không “được lòng” các thành viên trong nhóm sẽ ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, vị trí của bạn ở công ty. Chưa kể, bạn có thể bị “chơi xấu” bởi những người không thích mình.

Không đáng tin cậy

Thiếu trung thực, không làm những gì bạn đã hứa với đồng nghiệp và đặc biệt là với cấp trên. Đó là sai lầm khiến bạn bị “mất điểm” nhanh chóng trong mắt sếp. Nếu bạn có thói quen xấu này hãy sớm khắc phục ngay, bởi bất kỳ người sếp nào cũng muốn yêu cầu của họ phải được cấp dưới thực hiện đúng như cam kết. Trong trường hợp sếp của bạn là người khó tính, nếu bạn vẫn tiếp tục thất hứa, cho dù đó không phải là việc quá to tát, họ cũng sẽ nghĩ đến các biện pháp kỷ luật thậm chí là sa thải bạn.

Tỏ thái độ bất hợp tác với sếp

Trường hợp này không quá phổ biến nhưng cũng không phải hiếm gặp. Một số người có năng lực, kinh nghiệm làm việc nhưng “không hợp” với cấp quản lý của mình. Có thể bạn cảm thấy không phục sếp trong chuyên môn hoặc trong cách điều hành tổ chức, và tỏ thái độ bất hợp tác, thiếu tôn trọng thậm chí là chống đối sếp. Nhưng đây là cách ứng xử thiếu khôn ngoan và có thể gây nguy hiểm cho công việc của bạn. Nên nhớ, không có môi trường làm việc nào hoàn hảo và dù ở đâu, bạn vẫn có khả năng gặp những chuyện bất công, đồng nghiệp không tốt hay cấp trên khó ưa. Nếu bạn thực sự không tìm được giải pháp ổn thỏa để hòa hợp với cấp trên của mình, hãy nghĩ đến việc rời đi thay vì tỏ ra bất hợp tác.

Dùng danh nghĩa tổ chức để làm việc cá nhân

Lợi dụng uy tín của tổ chức mình đang làm việc để có những thỏa thuận, giao ước riêng với khách hàng, đối tác nhằm trục lợi cá nhân. Hoặc ở mức độ nhẹ hơn, là khi có sự đồng ý của lãnh đạo mà đưa ra những phát ngôn thay mặt công ty. Dù thế nào đi nữa, thì đó là những hành vi vi phạm nghiêm trọng, có thể bị kỷ luật hay thậm chí là xử lý theo pháp luật. Và tất nhiên, đây là con đường ngắn nhất khiến bạn bị xem thường, thậm chí rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Kiều Giang