Dân sinh

6 cách để chung sống an toàn với đại dịch Covid-19

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vấn đề phòng bệnh là chủ yếu, nó được xem như là một chiến lược mang tính toàn cầu.

Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm gây viêm đường hô hấp cấp tính với tác nhân là virus SARS- CoV-2. Triệu chứng của Covid-19 chủ yếu là sốt, ho và khó thở, diễn biến từ nhẹ như một cảm cúm thông thường, đến nặng như suy hô hấp và có nguy cơ dẫn đến tử vong. Cho đến nay, bệnh này đã trở thành một trong những đại dịch được cho là đã làm thay đổi cả thế giới.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vấn đề phòng bệnh là chủ yếu, nó được xem như là một chiến lược mang tính toàn cầu với mục đích là khống chế và đẩy lùi dịch bệnh. Chiến lược này đã được cụ thể hóa ở từng quốc gia, vùng miền và được phổ biến rộng rãi trên hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hiện tại, sự xuất hiện của biến chủng Omicron là lời nhắc nhở cho thế giới virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tồn tại, đồng nghĩa con người sẽ phải tìm cách chung sống với nó, cũng như chuẩn bị cho những biến chủng virus tiếp theo trong tương lai.

Dù chưa được khẳng định, nguy cơ Omicon kháng vắc-xin cho thấy không thể chỉ dựa vào tiêm chủng để khôi phục cuộc sống bình thường.

Trước viễn cảnh tận diệt virus là không khả thi, con người cần điều chỉnh hành vi và cải tạo môi trường sống để kiềm chế các đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo, theo Bloomberg.

Nâng cao chất lượng không khí

Virus SARS-CoV-2 được chứng minh là lây lan qua các giọt bắn, hay những hạt siêu nhỏ trong không khí, đặc biệt tại các không gian kín. Để giảm thiểu nguy cơ, các văn phòng, nhà hàng, trường học, phương tiện giao thông công cộng cần được cải tạo để bảo đảm an toàn y tế.

Theo Lidia Morawska, giám đốc Viện nghiên cứu sức khỏe và chất lượng không khí Đại học Công nghệ Queensland, Australia, trong các tòa nhà nơi sử dụng chung hệ thống thông khí, không khí cần được xử lý qua màng lọc để loại bỏ các hạt siêu nhỏ, hay thậm chí cả virus.

Tại các nhà hàng với hệ thống điều hòa tiêu chuẩn và không có hệ thống thông gió, rủi ro lây lan virus sẽ cao hơn. Bà Morawska cho rằng cần có máy lọc không khí sử dụng carbon dioxide tại tất cả không gian công cộng.

Những biện pháp an toàn rẻ tiền và tiện dụng hơn như mở cửa sổ và cửa chính, sử dụng quạt thổi giọt bắn chứa virus ra bên ngoài, cũng có thể hữu ích.

Theo chuyên gia của Đại học Queensland, thử thách thực sự với các chính phủ là đặt ra các tiêu chuẩn về thông khí trên phạm vi toàn quốc, đồng thời yêu cầu tất cả tòa nhà, cơ sở kinh doanh trong nhà lắp đặt hệ thống thông khí để đáp ứng tiêu chuẩn chung.

Tháng 10/2020, để ứng phó với rủi ro lây lan virus, nhà chức trách Đức cho biết sẽ đầu tư 565 triệu USD để cải thiện hệ thống thông khí tại các cơ quan công quyền, các tòa nhà công cộng như bảo tàng, rạp phim, trường học.

Tại nhiều nước châu Á nơi các hộ dân trung lưu, khá giả đã quen với việc sử dụng thiết bị lọc không khí trong nhà từ trước đại dịch do nạn ô nhiễm môi trường, Covid-19 khiến nhu cầu lắp đặt thiết bị lọc khí càng thêm cấp thiết.

Xét nghiệm nhanh, rẻ, thường xuyên

Xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà đóng vai trò thiết yếu để khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Tuy vậy, giá xét nghiệm có sự chênh lệch tùy từng quốc gia.

Tại Mỹ, một gói 2 dụng cụ xét nghiệm có giá 14 USD. Ở Anh, dụng cụ xét nghiệm nhanh được phát miễn phí. Trong khi đó, Đức thiết lập điểm xét nghiệm nhanh miễn phí ở nhiều thành phố. Ngoài ra, thiết bị xét nghiệm nhanh có thể được mua với giá chỉ 2,3 USD.

"Vấn đề nghiêm trọng nhất là lây lan virus từ người mắc Covid-19 không có triệu chứng. Bởi thế, việc tự xét nghiệm âm tính cho phép những người không mắc bệnh tự tin tiếp tục cuộc sống", Kenji Shibuya, chuyên gia dịch tễ học Quỹ nghiên cứu chính sách công Tokyo, nói.

Tại Anh, Dịch vụ Y tế Quốc gia khuyến cáo người dân xét nghiệm nhanh 2 lần mỗi tuần và tự cách ly nếu có kết quả dương tính.

Singapore là một trong các nước có hệ thống tiêm chủng - xét nghiệm hiệu quả nhất, ông Shibuya cho biết. Tới nay, Singapore đã phát 4 triệu thiết bị xét nghiệm nhanh Antigen Rapid Test cho các hộ gia đình.

Từ năm 2022, Singapore chỉ cho phép người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính đến làm việc tại các văn phòng. Trong khi đó, học sinh được yêu cầu xét nghiệm nhanh mỗi 2 tuần.

Làm bạn với khẩu trang

Theo đánh giá của 8 nghiên cứu được tạp chí khoa học British Medical Journal công bố, đeo khẩu trang giúp giảm hơn 50% nguy cơ mắc Covid-19.

Từ khi đại dịch bùng phát, người dân khắp thế giới đã phải làm quen với việc đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người từ 2 tuổi trở lên và chưa được tiêm đủ liều vắc-xin cần đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng trong nhà.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì khuyến cáo người dân tham gia các sự kiện đông người, các sự kiện trong nhà, cần đeo khẩu trang và mở cửa sổ để giảm nguy cơ lây nhiễm virus.

Làm việc từ xa

Cho phép người lao động linh hoạt chọn địa điểm làm việc không chỉ giúp họ thoải mái về tinh thần, cách làm này cũng làm giảm rủi ro về sức khỏe.

Việc hạn chế người lao động làm việc tại công sở đồng nghĩa giảm số người sử dụng tàu điện, xe bus đi làm trong giờ tan tầm. Việc chuyển đổi làm việc kết hợp trực tiếp - trực tuyến cho phép giảm các hoạt động tập trung đông người mỗi ngày.

Theo tính toán của Đại học Cambridge, bằng cách thu hẹp 50% quy mô nhân sự làm việc tại chỗ, các doanh nghiệp có thể giảm nguy cơ lây lan virus gấp 4 lần.

Tại các công sở được thông khí tốt, nguy cơ lây bệnh thông qua giọt bắn ở mức thấp. Nhưng ở trong môi trường làm việc thông khí kém, hoặc đặc điểm công việc đòi hỏi giao tiếp nhiều, nguy cơ sẽ tăng lên đáng kể, theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Indoor and Built Environment.

Tại môi trường văn phòng và trường học, các biện pháp như tăng khoảng cách giữa các bàn làm việc, giảm số người trong mỗi phòng, đeo khẩu trang khi giao tiếp, sẽ phát huy hiệu quả.

Tại Singapore, từ khi dịch bệnh bùng phát, hành khách được yêu cầu đeo khẩu trang và hạn chế giao tiếp trên tàu hỏa và xe buýt.

Rửa tay thường xuyên

Theo CDC Mỹ, rửa tay thường xuyên là một trong những cách hiệu quả nhất giảm nguy cơ mắc các loại bệnh.

CDC đã phát hành hướng dẫn rửa tay bằng xã phòng ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi trở về từ địa điểm công cộng, ho hoặc hắt xì. Nước rửa tay với độ cồn từ 60% trở lên cũng được khuyến nghị, CDC cho biết.

Tại nhiều địa điểm công cộng như trường học, trung tâm thương mại, nhà hàng, công sở, thiết bị xịt dung dịch nước rửa tay đã trở nên phổ biến. Nhiều nơi đi xa hơn khi trang bị giấy lau khử trùng cho nhân viên, lớp phủ kháng khuẩn cho tay nắm cửa và nút bấm thang máy.

Với các cửa hàng thực phẩm, rửa tay sát khuẩn tại lối vào đã trở thành yêu cầu bắt buộc.

Nâng cao thể trạng, sắp xếp lại công việc, cuộc sống

Bên cạnh đó, có lẽ chúng ta phải sắp xếp lại công việc, "design" lại cuộc sống để bình tĩnh sống chung với dịch, đề phòng đừng để nó làm tổn hại sức khỏe, không làm ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, không để nó gây hại đến các mối quan hệ của con người, không làm cản trở đến giáo dục, và quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ mai sau.

Hơn lúc nào hết, chúng ta phải quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bản thân mình bằng cách ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau quả. Cần từ bỏ hoặc giảm tối đa các yếu tố gây hại (nếu có) như rượu bia, thuốc lá... thay vào đó là sự rèn luyện, bồi bổ về thể chất lẫn tinh thần một cách khoa học và hợp lý. Khoa học ở đây có nghĩa là làm đúng theo hướng dẫn, còn hợp lý ở đây là tùy thuộc theo điều kiện hiện tại của bản thân.

Sống chung với dịch không có nghĩa là đầu hàng, mà phải xem đây là một sự thay đổi về chiến lược để từng bước làm chủ tình hình và tiến đến kiểm soát hoàn toàn đại dịch.

Quốc Tiệp (theo Zing, Suckhoedoisong.vn)