Giáo dục

58 bài thi bất thường ở Tây Ninh: Chứng minh phần mềm của bộ GD&ĐT chưa hoàn thiện

Mới đây, 58 bài thi trắc nghiệm bị điểm 0 do nhầm lẫn tại hội đồng thi sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh đã gây ra không ít lo lắng và băn khoăn về tính chính xác của kết quả kỳ thi THPT Quốc gia.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng đáng tiếc trên là do thí sinh tô sai số báo danh, mã đề, tô mờ đáp án hoặc tô nhiều hơn một đáp án trong một câu hỏi. Tuy nhiên, theo đúng quy trình chấm thi trắc nghiệm, đối với tất cả những lỗi như tô sai, tô mờ, phần mềm chấm thi đều có công cụ thực hiện kiểm dò.

Vì vậy những sai sót đó sẽ rất hãn hữu nếu như bộ phận thực hiện thao tác chấm có kinh nghiệm và kỹ càng trong khâu xử lý chấm. Đồng thời, có thể do lỗi của phần mềm chấm thi trắc nghiệm chưa hoàn thiện.

Nâng cao vai trò người làm thi

GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, bộ GD&ĐT cũng cho rằng: “Một trong những nguyên nhân nằm ở thí sinh tô sai mã đề, số báo danh, tô mờ đáp án,… Và theo tôi, tô sai mã đề là khả năng cao dẫn đến điểm 0 nhất vì khi thí sinh tô sai mã đề thì máy sẽ chấm theo mã đề khác.

Bên cạnh đó, với những bài thi của thí sinh tô mờ mà phần mềm không nhận diện được, thì chứng tỏ phần mềm chưa được hoàn thiện. Vì vậy, cần phải cải tiến làm sao cho phần mềm chấm thi trắc nghiệm “nhạy” hơn, có thể nhận diện và chấm được cả những câu mờ”.

“Bên cạnh đó, cần đảm bảo số lượng thí sinh trong mỗi phòng thi không nhiều hơn số lượng mã đề thi, để khi quét túi bài thi theo từng phòng, nếu có hiện tượng trùng mã đề, phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ phát hiện ra và báo lỗi để cán bộ chấm thi khắc phục.

Đồng thời, cũng cần nâng cao vai trò của giám thị trong phòng thi, không chỉ đảm bảo tính trong sạch, minh bạch mà còn có thể giúp các thí sinh rà soát lại số báo danh, mã đề để sửa lại cho chính xác. Trước khi bước vào làm bài chính thức, giám thị nhấn mạnh lại với các thí sinh, nếu tô mờ hoặc tẩy đáp án không kỹ, máy chấm thi trắc nghiệm sẽ không nhận diện được và thí sinh có thể “mất điểm oan”.

GS. Lâm Quang Thiệp.

Nếu giám thị trong mỗi phòng thi đều quan tâm đến thí sinh như vậy thì sẽ không để xảy ra những lỗi đáng tiếc như vừa rồi”, GS. Lâm Quang Thiệp phân tích.

TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng cục Công nghệ thông tin, bộ GD&ĐT cho rằng: “Phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm nay cơ bản đã khắc phục được những “kẽ hở” năm trước, còn để đánh giá toàn diện hơn thì phải chờ kết quả chính thức sau năm nay. Mặc dù bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ chấm thi trắc nghiệm nhưng không thể “phủ sóng” toàn bộ, vẫn còn những cá nhân chưa thực sự thành thạo.

Hiện nay, cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng, bộ GD&ĐT đang tiến hành điều tra, truy lại “dấu vết” những thao tác của các cán bộ chấm thi tại hội đồng thi tỉnh Tây Ninh để có câu trả lời rõ ràng, cụ thể hơn”.

Cần nhìn lại toàn bộ quá trình

Trước những nguyên nhân có thể trở thành “kẽ hở” đưa bài thi của thí sinh từ gần 9 điểm về 0 điểm, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội lại bày tỏ: “Một kỳ thi quan trọng như kỳ thi THPT Quốc gia mà chỉ dựa vào hệ thống chấm thi có thể nói là “siêu nhiều lỗi” như thế này thì liệu có ổn hay không? Hình thức thi trắc nghiệm có thực sự phù hợp hay không?

Đây là một kỳ thi với quy mô rất lớn, không cần phân định rõ, do hệ thống máy móc hay do con người, nhưng kể từ năm bắt đầu tổ chức thi như thế này đã liên tục xuất hiện những sai sót, nghĩa là tỷ lệ sai sót quá cao so với tiêu chuẩn của một kỳ thi. Trước đó, tỷ lệ không hề cao như hiện nay.

Vì vậy đặt ra một câu hỏi, có phải do quy trình thi sai sót nên luôn luôn xuất hiện những sai sót?”.

TS. Vũ Thu Hương phân tích: “Câu chuyện bài thi của một thí sinh bị chấm sai thì hoàn toàn có thể yêu cầu phúc khảo hay thậm chí thi tiếp vào kỳ thi tới. Tuy nhiên, với con số quá lớn như thế xuất hiện tại cùng một hội đồng thi là câu chuyện đáng bàn, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều về mặt kinh tế, xã hội, về mặt tâm lý của thí sinh, gia đình và cả xã hội, phải đặt ra những câu hỏi nghi ngờ về chất lượng kỳ thi.

Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề mà chúng ta phải quan tâm nhiều hơn không phải chỉ là tại ai, do đâu mà gây ra câu chuyện đáng tiếc như thế; mà quan trọng hơn là phải nhìn lại cả một quy trình thi, tại sao năm nào cũng xảy ra những sai sót?”.

“Vấn đề hiện nay, khi đặt kỳ thi THPT Quốc gia ở các địa phương, số lượng người thực hiện quá đông. Năm 2018, kỳ thi gặp vấn đề về đạo đức của những người làm thi, đến năm nay, lại gặp vấn đề về kỹ năng của những người làm thi. Với số lượng giám thị, cán bộ chấm thi quá đông, bộ GD&ĐT sẽ rất khó để tập huấn toàn diện, con số rủi ro là rất lớn!”, bà khẳng định.

Giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội hy vọng có sự thay đổi từ quy trình tổ chức thi để có một kỳ thi đảm bảo chất lượng: “Vẫn là câu nói cũ, theo tôi, không nên đặt kỳ thi THPT Quốc gia ở địa phương. Nếu mục đích để giảm thiểu kinh phí cho gia đình các thí sinh, chúng ta hoàn toàn có thể có cơ chế hỗ trợ đối với những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn đi thi. Mức kinh phí để trải cán bộ coi thi đi khắp các tỉnh, thành cũng không phải là nhỏ.
Khi chúng ta trải kỳ thi trên phạm vi rộng, giống như việc trải những hạt đậu trên một mặt phẳng, có thể xuất hiện rất nhiều “lỗ hổng”, nhưng khi chúng ta gom lại, thì “lỗ hổng” sẽ ít hơn rất nhiều.

TS. Vũ Thu Hương.

Nếu điều này không ổn, thì trả lại kỳ thi đại học về cho các trường đại học, chỉ giữ nguyên kỳ thi tốt nghiệp THPT ở địa phương. Khi đó, trường đại học làm tốt kỳ thi, thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ tuyển sinh được thí sinh có thực lực, nâng cao uy tín của trường”.