Thế giới

500 ngày chiến sự và nỗi niềm của người tị nạn Ukraine

Sau 500 ngày xung đột, quân Nga kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine và hơn 6,3 triệu người Ukraine đang phải tị nạn ở nhiều nước bên trong và bên ngoài châu Âu.

Gần 500 ngày trước, vào đầu giờ sáng ngày 24/2/2022 lạnh giá, Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia láng giềng Đông Âu Ukraine.

Khi đó không ai có thể lường trước cuộc chiến trên bộ khốc liệt nhất trên lục địa châu Âu kể từ Thế chiến II lại kéo dài tới hơn 16 tháng mà chưa có dấu hiệu kết thúc, với chi phí thiệt hại theo ước tính mới nhất của Trường Kinh tế Kiev là hơn 143 tỷ USD và Nga kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine.

Xung đột đã dẫn đến cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn nhất kể từ Thế chiến II. Tính đến ngày thứ 500 kể từ khi chiến sự bùng phát, hơn 6,3 triệu người Ukraine đang phải tị nạn ở nước ngoài và khoảng 6 triệu người nữa phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán trong nước, theo dữ liệu do Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) công bố hôm 7/7.

Cụ thể, trong số 6,3 triệu người Ukraine tha hương, khoảng 5,96 triệu người đang tị nạn ở châu Âu, trong khi 364.000 người tị nạn được ghi nhận bên ngoài lục địa. Nga là quốc gia có số lượng người Ukraine lớn nhất – gần 1,3 triệu người, tiếp theo là Đức với 1,1 triệu người. Ba Lan, nơi trở thành “cửa ngõ vào EU” của người tị nạn, đứng thứ 3 với gần 1 triệu người.

Cộng hòa Séc đã tiếp nhận hơn 350.000 người tị nạn; Vương quốc Anh có hơn 206.000; trong khi Bulgaria, Italy, Moldova, Slovakia và Romania – mỗi nước tiếp nhận hơn 100.000 người tị nạn. Áo và Hà Lan – mỗi nước cũng đã tiếp nhận gần 100.000 người tị nạn.

Bản đồ cho thấy số người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu. Dữ liệu do Cao uỷ Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 7/7/2023. Đồ họa: Al Jazeera

Cô Elena, 41 tuổi, một kỹ sư đến từ vùng Donetsk, cho biết cô quyết định tị nạn ở Nga vì không có rào cản ngôn ngữ và cô có họ hàng xa ở đó, những người có thể chấp nhận cô và gia đình trong thời điểm hiện tại.

“Tôi có trình độ học vấn cao hơn và tôi nghĩ rằng có nhiều cơ hội để tôi tìm được một công việc tốt ở đây (Nga). Nếu tôi sang châu Âu, ngay cả khi bằng cấp của tôi được công nhận, tôi sẽ khó tìm được việc làm vì tôi chỉ biết nói một chút tiếng Anh, vốn không đủ cho loại công việc tôi làm”, cô Elena chia sẻ với hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu.

Anh Roman, 39 tuổi đang sống ở Nga, cho biết rằng tất nhiên những người tị nạn như anh đều gặp phải một số vấn đề khi sống tha hương. Anh nói: “Tôi đã bao giờ gặp phải vấn đề quan liêu hay các vấn đề khác ở đây chưa? Tất nhiên là nhiều lần. Nhưng ai dám nói tôi sẽ không đối mặt với các vấn đề như vậy ở các nước khác? Đó là vấn đề hệ thống. Nhưng ít nhất, ở đây tôi hiểu vấn đề là gì”.

Dựa trên dữ liệu nhận được từ Đức, Cộng hòa Séc, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Litva (Lithuania), Gruzia (Georgia) và Tây Ban Nha, một cuộc khảo sát của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc công bố vào ngày 6/7 cho thấy 62% người Ukraine tha hương hy vọng được trở về nhà, và 67% người phải rời bỏ nhà cửa đi di tản trong nước cũng có cùng một mong muốn.

Những điều kiện chính mà họ cần để có thể trở về nhà bao gồm: Chiến sự kết thúc, cơ sở hạ tầng được phục hồi, và các dịch vụ cơ bản có thể tiếp cận được, cũng như sinh kế và nhà ở.

Bản đồ đánh giá tình hình trên thực địa xung đột Nga-Ukraine qua các mốc thời gian. Nguồn: Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW). Đồ họa: Al Jazeera

Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 40% số người được hỏi cho biết họ không có đủ thông tin về sự an toàn, cơ hội việc làm và tình hình về nơi ở trước đây của họ, và những điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định hồi hương của họ.

Lý do phổ biến nhất cho việc trở về, được 63% số người được phỏng vấn cho biết, là mong muốn được trở về quê hương và sống trong một môi trường văn hóa quen thuộc. Tiếp theo đó là sự đoàn tụ với gia đình, với sự nhất trí của 44% số người được hỏi.

Theo Liên Hợp Quốc, phần lớn những người hy vọng trở về là người lớn tuổi, gia đình đông con, những người sống ở môi trường không ổn định hơn so với ở đất nước của họ, và những người có người thân ở Ukraine.

Minh Đức (Theo Anadolu Agency, Al Jazeera)