Kinh tế vĩ mô

5 trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương khởi sắc

12 dự án yếu kém ngành công thương tồn tại rất lâu, có dự án từ năm 2005-2009. Sau khi được xử lý, đã có 5 dự án khắc phục thua lỗ, thậm chí có lãi.

Trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương, hiện đã có 1 doanh nghiệp là DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi.

4 dự án, doanh nghiệp khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước.

Với những khắc phục sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468 của Thủ tướng, ngày 4/11/2021, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém đã thống nhất đưa 5 dự án ra trên ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.

Tại toạ đàm “Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 5/4, đánh giá về quá trình xử lý 5 doanh nghiệp, dự án này, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã nhấn mạnh rằng, việc đưa 5 dự án đưa ra khỏi danh mục theo dõi của Ban Chỉ đạo là cả một quá trình dài.

Theo ông Hùng, 5 dự án đã không còn vướng mắc về cơ chế chính sách, đều bám sát các mục tiêu cụ thể là khắc phục thua lỗ, thậm chí có lãi. Còn các dự án không còn khả năng khắc phục vì các lý do như sản phẩm đưa ra không còn thị trường, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu thì sẽ xử lý tài chính, cơ cấu vốn, giải pháp cuối cùng là phá sản.

“Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ cũng theo hướng mới, là cơ hội mở ra cho doanh nghiệp để lựa chọn các nhà đầu tư mới để thích ứng với thị trường hiện nay, tạo đà phát triển mới cho doanh nghiệp”, ông Hùng nói.

Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khắc phục được hậu quả.

Có thể thấy rõ, việc xử lý dự án yếu kém mang tính lịch sử, nguyên nhân được nhận diện là tồn tại về tài chính để lại quá lớn, tổng mức đầu tư hầu hết phải điều chỉnh lên cao so với dự toán ban đầu. Cơ cấu nguồn vốn chủ yếu bằng nguồn vay với lãi suất cao, khi đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo thì đã thua lỗ nặng nề.

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ để xử lý các dự án yếu kém của ngành, ông Đặng Hoàng An – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, 12 dự án yếu kém của ngành công thương bắt đầu từ rất lâu, có những dự án được chuẩn bị từ năm 2005-2009.

“Những khó khăn của các dự án cũng rất đa dạng như tổng mức đầu tư tăng lên, rồi chi phí vay vốn cao. Có những dự án liên quan đến vấn đề phân bón và nhiên liệu sinh học, cũng có những dự án vướng ở vấn đề liên quan đến tranh chấp hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu”, Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ tại toạ đàm.

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong quá trình xử lý các dự án này, Chính phủ khoá trước và khoá này đã có tới 20 cuộc họp để chỉ đạo. Sự tham gia của các bộ, ngành gồm Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cũng rất sát sao. Các tổ chức tín dụng dưới sự lãnh đạo của Chính phủ và những nhà tài trợ vốn cho dự án cũng đã tham gia rất tích cực, kể cả các giải pháp liên quan đến chính sách như khấu hao…

“Có thể nói chưa bao giờ chúng ta thấy các dự án nhận được sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục như vậy”, ông An nhấn mạnh.

Cũng theo ông An, sau khi Ủy ban Quản lý vốn tiếp quản vẫn phải tiếp tục con đường xử lý các vấn đề liên quan tới chính sách, cơ chế của các dự án. Hiện nay, một số dự án đã có khởi sắc thực sự.

“Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu, vì thời gian kéo dài lâu cho nên ta phải tìm cách xử lý dứt điểm, cái gì làm được ta phải xử lý dứt điểm, không sẽ kéo dài từ ngày này sang tháng khác. Kết quả tích cực bước đầu như vừa qua có sự chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ”, ông An chia sẻ.

12 dự án yếu kém của ngành công thương gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng;  Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai; Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc;

Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất; Dự án nhà máy thép Việt Trung; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất;

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.