Tâm sự

5 năm tôi đi làm báo Luật

Từ một phóng viên có vốn kiến thức pháp luật ít ỏi, tôi liều mình đi làm báo Luật. Cảm ơn Đời sống & Pháp luật đã giúp tôi có được những trải nghiệm đáng giá...

Bất ngờ lý do gia nhập...

Những ngày đầu xuân Tân Sửu  2021, tôi và hơn 200 đồng nghiệp ở báo (nay là tạp chí) Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL) hân hoan đón chào tuổi 20 sắp đến của tờ tạp chí. Đối với chúng tôi, tòa soạn chính là ngôi nhà chung nuôi dưỡng giấc mơ thăng hoa cùng chữ nghĩa mỗi ngày.

Còn nhớ 5 năm trước, tôi đã đến đây như một cơ duyên. Đầu năm 2015, khi chuẩn bị rời cơ quan cũ, tôi được người quen giới thiệu đến báo ĐS&PL để xin việc. Thời điểm đó, ĐS&PL là một tờ báo thị trường khá nổi, đang trong giai đoạn “ăn nên làm ra” và không ngừng mở rộng quy mô. Có thời điểm tôi đọc thấy báo tuyển tới 50 phóng viên, biên tập viên nên không khỏi “choáng váng”.

Nhớ hôm ấy, sau cú điện thoại giới thiệu của người quen, tôi cầm bộ hồ sơ sang gặp Phó Tổng biên tập Vương Tiến Thành. Đường tôi đi từ phố cổ đến phố Dương Đình Nghệ dài hun hút như về quê, phía trước cửa tòa nhà Star Tower chưa có con đường với cây cối được cắt tỉa gọn gàng như bây giờ. Trái lại, nó lồi lõm, bụi bặm, phản ánh thực trạng của một con phố mới trong khu vực có mật độ xây dựng cao.

Star Tower khi ấy còn chưa xây xong, các tầng còn ngổn ngang gạch vữa. Tôi nhớ căn phòng của anh Thành nằm ở cuối dãy tầng 4, khi đi dọc tòa soạn để đến đó, tôi lần đầu chứng kiến những gương mặt trẻ măng cắm cúi bên những bản bông A3 và màn hình máy tính. Tiếng gõ phím lách cách gấp gáp như chính những thanh âm cuộc sống đang cuộn chảy bên ngoài tòa nhà... Một ấn tượng rất đẹp về tờ báo của những người trẻ đầy say mê và nhiệt huyết.

Cuộc trao đổi của tôi và PTBT Vương Tiến Thành diễn ra nhanh chóng. Tôi để lại hồ sơ và hẹn sẽ gọi điện lại. Nhưng rồi tôi đành phải bỏ qua cơ hội này vì nó quá xa nhà tôi.

Tháng 6/2015, lại được người quen giới thiệu, tôi cầm bộ hồ sơ đến tòa nhà 27 Đại Cồ Việt để xin vào làm chuyên trang An ninh Tiền tệ & Truyền thông (ANTT) thuộc báo điện tử Người đưa tin. Người tiếp nhận tôi khi ấy là PTBT Nguyễn Đức Đông – phụ trách chuyên trang. Anh Đông nói, tòa soạn đang khuyết một vị trí phóng viên mảng Pháp luật nên tôi có thể thử sức với công việc này. Dù không am hiểu luật pháp, không hiểu sao lúc đó tôi lại nhận lời.

Sau này, khi ANTT sát nhập vào tòa soạn lớn ở Star Tower trên phố Dương Đình Nghệ, tôi tin rằng tôi và nơi này có lẽ có cơ duyên. Vẫn con đường ấy nhưng giờ đây mỗi ngày đi làm, tôi đã không còn thấy nó xa. Mỗi ngày đi làm, dù đến tòa soạn hay tham gia các hoạt động tác nghiệp, tôi cảm thấy như mình được thở bằng một lá phổi khác.

Trưởng thành từ công việc

Dù đã có kinh nghiệm làm báo trước khi đến đây, nhưng đến giờ không ai biết rằng 2 tuần đầu làm PV Pháp luật của tôi là đến cơ quan bật máy tính đọc báo rồi cuối ngày đi về. ANTT là một chuyên trang về Đầu tư, Tài chính - Ngân hàng, Doanh nghiệp... Công việc của tôi là viết những bài báo pháp luật trong mảng đó.

Nó thật sự là một thách thức khi mà thời điểm đó, tôi chưa phân biệt được thế nào là giai đoạn tố tụng của một vụ án kinh tế, chưa biết các phiên tòa diễn ra thế nào, cũng không đọc được hồ sơ doanh nghiệp... Lần đầu được giao “bóc tách” một cái kết luận thanh tra trong lĩnh vực kinh tế, tôi cảm thấy... xây xẩm mặt mày.

Nhưng rồi tôi cũng đã vượt được qua. Chính cái không khí làm việc hối hả với tiếng gõ phím gấp gáp, những người trẻ đam mê cống hiến đã giúp tôi có niềm tin là mình sẽ làm được.

Tôi cũng có ý thức tự học Luật hàng ngày, từ sách vở, văn kiện, từ các đồng nghiệp và từ chính quá trình tác nghiệp báo chí của mình. Càng học và làm về luật tôi càng thấm thía một điều rằng kiến thức pháp luật là cần thiết cho mọi người dân trong một xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật. Và tôi truyền cảm hứng ấy vào mỗi bài báo gửi tới độc giả của chúng tôi.

Đáp lại tâm huyết của tôi và các đồng nghiệp là sự ủng hộ, khích lệ của bạn đọc trên mọi miền đất nước. Mỗi bài viết có độc giả bình luận ở cuối bài khiến tôi cảm thấy lao động của mình được đón nhận và tương tác, quan điểm của mình được sẻ chia và có tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của xã hội.

Những năm qua, tôi và ĐS&PL tự hào được thay mặt Hội Luật gia Việt Nam, góp một tiếng nói mạnh mẽ để tuyên truyền đến công chúng những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực pháp luật và đời sống pháp luật.

Chúng tôi cũng mạnh mẽ lên tiếng phê phán những sai phạm trong lĩnh vực pháp luật và đời sống, thực hiện tốt chức năng của báo chí là giám sát xã hội và phản biện xã hội, giúp minh bạch hóa hoạt động triển khai và thực thi pháp luật trên mọi mặt của đời sống.

Một số vụ việc điển hình mà tôi đã tham gia phản ánh có thể kể đến là: Vụ Giám đốc sở xây dựng ở Thanh Hóa “o ép” doanh nghiệp (năm 2016), vụ “thăng tiến thần tốc” của hot-girl Quỳnh Anh ở sở Xây dựng Thanh Hóa (năm 2017), vụ “Cả họ làm quan” ở Hải Phòng (năm 2015), loạt bài về sai phạm liên quan đến định mức ô tô công (2016), vụ thảm sát Yên Bái (năm 2015), cuộc chiến giữa hãng xe khách Thành Bưởi và báo Giao thông (năm 2017)...

Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi khi làm PV Pháp luật ở tạp chí ĐS&PL là vào năm 2016, sau loạt bài của tôi tố cáo sai phạm của Giám đốc sở xây dựng Thanh Hóa Đào Vũ Việt, cuộc khẩu chiến giữa bầu Đệ và ông Việt, bài phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến,... cũng đã có một vài tin nhắn nặc danh - được cho là một số doanh nghiệp có lợi ích liên quan đến vụ việc - gửi cho tôi đe dọa. Nhưng giữa lúc áp lực đè nặng, một cuộc điện thoại từ “chảo lửa” xứ Thanh gọi lên bảo: “Thanh Hóa đang căng thẳng quá, em có sao không?” đã khiến tôi cảm thấy ấm áp hơn bao giờ. Tôi tin mình đã làm tốt.

Tôi cũng trưởng thành nhiều sau mỗi cuộc gặp gỡ tác nghiệp. Năm 2015, tôi được giao phỏng vấn Thiếu tướng Công an Hồ Sỹ Tiến (khi ấy là Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45 - Bộ Công an), người vừa phá án thành công vụ thảm sát Yên Bái.

Tôi gọi điện liên hệ và được ông đồng ý cho gặp vào 2h chiều 18/8/2015. Thế nhưng khi tôi đến nơi, ông lại đổi ý và bảo: “Nếu cháu xin thông tin vụ án thì chú cung cấp chứ chú không lên báo phô trương thành tích đâu. Cả ngày hôm nay chú đã từ chối 20 báo rồi”. Thuyết phục không được, tôi xin phép đứng chờ ngoài hành lang cho đến khi ông đồng ý trả lời phỏng vấn.

Thế nhưng 4 tiếng đồng hồ trôi qua, ông Cục trưởng sắt đá - vốn là nỗi khiếp sợ của bọn tội phạm - vẫn để tôi đứng chôn chân phơi nắng bên ngoài phòng làm việc của mình mà không hề “rung động”. Bài phỏng vấn này đã ấn định lên trang vào ngày kỷ niệm ngành Công an 19/8, tôi không thể về không. Nghĩ vậy, tôi quyết định gõ cửa phòng ông lần nữa và nói một câu sắt đá không kém: “Bọn tội phạm không hề muốn gặp chú, nhưng vì đó là công việc nên chú sẵn sàng lên rừng xuống biển để gặp chúng. Ngày hôm nay cháu nhất định phải phỏng vấn được chú vì đó là công việc của cháu”. Ông Cục trưởng trố mắt kinh ngạc rồi cười to: “Thôi được rồi, vào đây!”.

Cuộc phỏng vấn thành công ngoài mong đợi. Nhưng trên đường về tôi đã khóc xối xả như mưa, cảm giác ấm ức không thể nào diễn tả nổi. Và chính những khoảnh khắc được sống trọn vẹn với nghề đó đã cho tôi một niềm tin vào con đường mình đã chọn.

Tin ở ngày mai

Cuộc đời một con người, 20 tuổi đã trưởng thành chưa nhỉ? Có lẽ là chưa. 20 là lứa tuổi trẻ trung, sung sức nhưng vẫn cần rất nhiều trải nghiệm để khẳng định mình. Hành trình ấy đối với một tờ báo/tạp chí, thậm chí còn phải chấp nhận cả những vấp váp, giông bão để giành được chỗ đứng trong lòng bạn đọc.

Năm  2020 này, tôi và những đồng nghiệp có thêm một trải nghiệm “đắt giá” khi tờ báo điện tử chuyển đổi sang mô hình tạp chí. Một cuộc “thay da đổi thịt” ít nhiều “trày trụa” kiểu ve lột xác nhưng chúng tôi tin rằng sẽ thành công trong việc biến “nguy” thành “cơ”. Làm tạp chí nghĩa ra chúng tôi sẽ chậm lại một nhịp so với những tờ báo vốn có chu kỳ sống của tin tức rất ngắn. Nhưng chúng tôi làm báo sâu hơn, đưa tin có quan điểm, gắn với dữ liệu và tin rằng sẽ tạo được hiệu ứng xã hội nhất định.

Chưa kịp chứng minh niềm tin ấy, đại dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối năm 2019 như một cơn sóng kép tấn công mạnh các tòa soạn báo vào tháng 3, tháng 4/2020 - đúng thời điểm ĐS&PL chuyển đổi mô hình. Phóng viên mặc trang phục bảo hộ đưa tin thời dịch bệnh, BTV và TKTS “trực chiến” ở nhà trong những ngày cao điểm “giãn cách xã hội”. Nhưng tin bài vẫn đầy ắp và cuộn chảy trên mỗi trang tạp chí in và điện tử, là minh chứng cho niềm tin của chúng tôi vào ngày mai tươi sáng.

Trong 20 năm tuổi đời của ĐS&PL, tôi chỉ có 5 năm, nhưng đó là 5 năm đầy cảm xúc. Đến giờ, bên cạnh tình yêu nghề, tôi luôn dành một góc trân trọng cho nơi này, tờ tạp chí 5 năm trước đã chọn tôi khi tôi vội nghĩ chúng tôi không thể thuộc về nhau.

Minh Minh