Sức khỏe

5 bí quyết hạn chế tăng cân tuổi trung niên

Bước vào tuổi trung niên, tình trạng suy giảm nội tiết tố, tốc độ trao đổi chất giảm cùng với thói quen lười vận động, chế độ ăn uống kém lành mạnh khiến nhiều người tăng cân không kiểm soát. Vậy làm thế nào để khắc phục vấn đề này?

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe

Tăng cân tuổi trung niên có thể liên quan đến các vấn đề về sức khỏe như rối loạn tuyến giáp, tuyến thượng thận. Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa quá trình trao đổi chất của cơ thể, do đó rối loạn tuyến giáp có thể dẫn đến giảm tỷ lệ trao đổi chất gây tăng cân. Do đó, bạn nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện các rối loạn trong hoạt động của tuyến giáp cũng như các bệnh lý như tim mạch, hô hấp, nội tiết, tiêu hóa…

Ăn, ngủ hợp lý

Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, thường xuyên bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây, rau xanh, các loại cá béo, hạt dinh dưỡng, dầu oliu… sẽ giúp bạn có một cơ thể dẻo dai, tràn đầy sức sống dù ở bất cứ độ tuổi nào. Ngoài ra, việc ngủ ngon và đủ giấc giúp chúng ta lo lâu hơn, giảm thèm ăn những thực phẩm không lành mạnh. Giấc ngủ còn giúp bạn có làn da sáng đẹp, căng bóng, tăng cường khả năng tập trung và ghi nhớ của não bộ.

Tăng cường vận động

Bước vào giai đoạn này cơ thể chúng ta có xu hướng dự trữ năng lượng thay vì đốt cháy chúng, hơn nữa việc mất đi một lượng cơ đáng kể cũng làm trọng lượng tăng mất kiểm soát. Do đó, ngoài chế độ ăn uống hợp lý, chúng ta cần duy trì thói quen tập luyện đều đặn. Nên đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày và tập gym ít nhất 3 lần một tuần để có một cơ thể và tâm trí khỏe mạnh, hạn chế tình trạng tích tụ tế bào chất béo.

Nếu bạn luyện tập thường xuyên nhưng kết quả không như mong đợi thì có thể xem xét đến việc lựa chọn các bài tập nặng hơn như HITT (bài tập cường độ cao ngắt quãng), Tabata (phương pháp giảm béo toàn thân với thời gian tập ngắn nhưng lượng calo đốt cháy cao), Kickboxing… HITT không những đốt cháy năng lượng trong khi tập mà còn đốt cháy thêm nhiều năng lượng sau khi tập 24 giờ đồng hồ sau đó.

Nếu yêu thích việc tập tạ thì bạn có thể tăng dần khối lượng tạ hoặc số hiệp, số lần thực hiện bài tập để tăng hiệu quả đốt mỡ. Lưu ý, nếu đang mắc các bệnh xương khớp hoặc tim mạch bạn nên hỏi ý kiến các bác sĩ trước khi quyết định thay đổi cường độ luyện tập.

Uống đủ nước

Duy trì thói quen uống 1 cốc nước trước mỗi bữa ăn vừa giúp bạn nhanh no hơn, nạp ít năng lượng hơn vừa có tác dụng tăng cường tốc độ trao đổi chất. Nghiên cứu đã chỉ ra uống nửa lít nước giúp tăng tốc độ trao đổi chất trong khi nghỉ ngơi lên 10-30% trong khoảng 1 tiếng. Lượng calories sẽ được đốt cháy nhiều hơn nếu bạn uống nước lạnh, vì cơ thể sẽ tiêu tốn thêm năng lượng để khôi phục nhiệt độ về 37 độ C.

Hạ thấp nhiệt độ phòng

Hạ thấp nhiệt độ phòng giúp chúng ta đốt cháy tế bào chất béo ngay cả khi đang ngủ, vì cơ thể phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn để giữ thân nhiệt ổn định. Theo các nhà khoa học, cơ thể người trưởng thành có 2 loại mỡ: Mỡ trắng và mỡ nâu.

Loại mỡ trắng có hại thường được tích tụ ở phần bụng, hông hay bắp đùi. Loại mỡ thứ hai, tốt cho sức khỏe là mỡ nâu. Loại mỡ này chuyên đốt cháy calo và giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể trong nếu chúng ta ở trong môi trường lạnh. Chúng ta có thể tăng lượng mỡ nâu trong cơ thể đơn giản bằng cách duy trì nhiệt độ mát mẻ trong phòng.

Minh Hoa (t/h)