Kinh tế vĩ mô

41% doanh nghiệp đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA

Lợi ích phổ biến nhất của EVFTA là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận của DN.

Lợi ích lớn nhờ ưu đãi thuế quan

Tại hội thảo “Đánh giá hai năm thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp” sáng 10/11, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, hai năm đầu thực thi Hiệp định EVFTA vừa qua là khoảng thời gian kinh tế thế giới và Việt Nam phải đối mặt với những biến động chưa từng có, từ dịch bệnh Covid-19, đứt gãy các chuỗi cung ứng, đến xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lực, lương thực…

Tuy nhiên, ông Phòng cho rằng các số liệu thống kê vĩ mô cho thấy EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, và giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.

Theo đó, về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn tới 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019 trước đó. Tỉ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Đặc biệt, tổng vốn đầu tư bình quân năm giai đoạn 2017-2021 (giai đoạn sau khi EVFTA hoàn tất đàm phán) tăng 86% so với thời gian 2015-2016 liền trước đó. Tuy nhiên, đầu tư vào Việt Nam mới chỉ chiếm một tỉ trọng rất khiêm tốn trong tổng đầu tư ra nước ngoài của EU (chiếm 0,35% vào năm 2021).

Quang cảnh hội thảo. 

Từ góc độ của từng doanh nghiệp, thông tin từ kết quả Khảo sát doanh nghiệp về EVFTA được bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI chia sẻ tỉ lệ các doanh nghiệp Việt Nam từng được hưởng lợi từ EVFTA là khả quan, với gần 41% doanh nghiệp cho biết đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA.

"Đây là đây là hiệp định mang lại cơ hội kích về mặt kinh tế cho doanh nghiệp. Trước đó, chúng ta chưa từng có một hiệp định thương mại tự do với bất kỳ quốc gia thành viên nào trong số 27 nền kinh tế của EU", bà Trang nhấn mạnh. 

Lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất - nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận. Theo bà Trang, điều này có thể là kết quả của sự cải thiện trong mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về Hiệp định này. 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI.

Theo khảo sát, có tới gần 94% doanh nghiệp từng nghe nói hoặc biết ở các mức độ khác nhau về Hiệp định này, cao nhất trong số các FTA đang thực hiện. Cứ 10 doanh nghiệp thì có 3 doanh nghiệp biết khá rõ và 1 doanh nghiệp biết rất rõ về các cam kết EVFTA có liên quan tới hoạt động kinh doanh của mình.

Nhìn về tương lai, 76% doanh nghiệp cho rằng các EVFTA và các FTA sẽ có tác động tới triển vọng kinh doanh trong 3 năm tới, và phần lớn lạc quan đây sẽ là các tác động tích cực.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng chỉ ra các lực cản có thể khiến họ khó hưởng lợi từ EVFTA và các FTA, đáng kể nhất là các biến động và bất định của thị trường (47% doanh nghiệp đề cập), năng lực cạnh tranh hạn chế (46%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức tận dụng (40%).

Doanh nghiệp cần tránh hiệu ứng “ếch bị luộc chín”

Cũng tại hội thảo, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã đưa một số giải pháp đối với doanh nghiệp và Nhà nước trong bối cảnh mới.

Theo ông Sang, thực hiện FTA thế hệ mới đòi hỏi doanh nhân mới phải có "tri thức toàn cầu, hiểu biết địa phương/nước sở tại”.

“Ngoài nỗ lực tự thoát ra, tránh sa vào hiệu ứng “ếch bị luộc chín”, doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục các thị trường.

Đặc biệt, cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng và chuẩn bị các biện pháp đối phó với các vụ kiện về phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, các điều kiện trong giao thương, nâng cao năng lực”, ông Sang nói.

Ông cũng nhấn mạnh, Nhà nước hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), EVFTA đã góp phần đáng kể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác.

Cụ thể, trong 2 năm thực thi Hiệp định này, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU (như sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%...). 

“Một số mặt hàng mới cũng có tăng trưởng cao sang thị trường EU trong giai đoạn này như nhóm gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm (tăng trên 50%); các sản phẩm gốm, sứ (tăng trên 25%); nhóm rau quả, dây điện và dây cáp điện (tăng trên 15%)...”, bà nói.

Thanh Hồng - Tú Anh