Chính sách

4 trường hợp được ưu tiên tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp CCCD gắn chíp

Bộ Công an yêu cầu các địa phương trước mắt ưu tiên thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp CCCD gắn chip điện tử đối với 4 trường hợp.

Chính thức dừng cấp căn cước công dân mẫu cũ và chứng minh thư 9 số

Bộ Công an đã có văn bản thông báo tới công an các tỉnh, thành phố trên cả nước yêu cầu dừng tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) mã vạch, chứng minh nhân dân (CMND) 9 số để chuyển sang cấp thẻ CCCD gắn chip điện tử.

Việc dừng tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD mã vạch, CMND 9 số bắt đầu thực hiện từ ngày 23/1 nhằm triển khai hiệu quả công tác cấp CCCD theo mẫu mới có gắn chip điện tử.

Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương khẩn trương tiến hành xử lý, hoàn thiện, giải quyết hết số lượng hồ sơ cấp CMND 9 số và thực hiện hoàn thiện hồ sơ, chuyển dữ liệu điện tử về cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đối với những hồ sơ đề nghị cấp CCCD mã vạch đã thu nhận để thực hiện phê duyệt, in thẻ CCCD trả cho công dân.

Mẫu căn cước công dân có gắn chip mới.

Đối với việc triển khai cấp CCCD trên phạm vi toàn quốc, bộ Công an yêu cầu công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước mắt ưu tiên thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp CCCD gắn chip điện tử đối với các trường hợp sau: Những công dân đủ 14 tuổi chưa từng được cấp CMND 9 số, CMND 12 số, thẻ căn cước công dân mã vạch; Trường hợp công dân được cấp CMND, căn cước công dân nhưng CMND, căn cước công dân hư hỏng, mờ nhòe, rách nát, không sử dụng được và các trường hợp CMND, căn cước công dân hết giá trị sử dụng; Trường hợp công dân đã được cấp CMND, căn cước công dân nhưng bị mất; Trường hợp công dân đã được cấp CMND, căn cước công dân nhưng có sự thay đổi thông tin trong CMND, căn cước công dân. Những trường hợp khác do lãnh đạo công an các cấp quyết định.

Sau khi các địa phương được trang bị đầy đủ thiết bị, hệ thống cấp CCCD được triển khai đồng bộ, lực lượng công an sẽ cấp CCCD cho toàn bộ công dân trên phạm vi toàn quốc theo quy định.

Căn cước công dân mẫu mới có nhiều ưu điểm về bảo mật, lưu trữ thông tin, tạo thuận lợi và tiện ích cho người sử dụng... nhằm bảo đảm việc quản lý xã hội, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và thực hiện cải cách hành chính.

Bộ Công an đặt mục tiêu từ nay đến 1/7/2021 sẽ cấp 50 triệu thẻ CCCD gắn chip cho người dân. Từ 1/1/2021, công an một số địa phương đã bắt đầu triển khai tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ VVCD gắn chip của công dân. Bộ Công an cho biết dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD, CCCD mẫu mới là loại có gắn chip điện tử, khác với các loại thẻ CCCD hay CMND có 12 số hiện hành.

Hình dáng, kích thước thẻ CCCD gắn chip như thế nào ?

Thông tư số 06 của bộ Công an quy định cụ thể về hình dáng, kích thước, nội dung, quy cách, ngôn ngữ khác, chất liệu thẻ CCCD gắn chip và trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong việc sản xuất, cấp và quản lý mẫu thẻ CCCD. Theo đó, CCCD mẫu mới hình chữ nhật, 4 góc được cắt tròn. Thẻ dài 85,6mm, rộng 53,98mm và dày 0,76mm, giống kích thước của mẫu thẻ căn cước mã vạch đang lưu hành. Thẻ CCCD được sản xuất bằng chất liệu đã được Bộ trưởng bộ Công an phê duyệt.

Các nội dung ở mặt trước thẻ gồm hình quốc huy đường kính 12 mm (thẻ cũ 14mm). Ảnh chân dung của công dân được giữ nguyên kích thước 20 x 30mm. Thẻ có họ tên công dân; ngày, tháng, năm sinh; giới tính bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Mặt sau của mẫu thẻ căn cước mới có phôi bảo an để chống làm giả. Thông tin về đặc điểm nhân dạng, thời gian cấp thẻ, chức danh của người có thẩm quyền cấp thẻ, dấu có hình quốc huy và 2 ô vân tay của ngón trỏ trái và ngón trỏ phải của người được cấp thẻ.

Thông tư số 06 của bộ Công an có hiệu lực từ ngày 23/1/2021.

Theo bộ Công an, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày thông tư số 06 có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD theo quy định tại thông tư số 06. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ thẻ CCCD được cấp trước ngày thông tư số 06 có hiệu lực thi hành thì vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

N.Giang