Kinh tế vĩ mô

4 tỉnh Bắc Trung Bộ "bắt tay" vạch chiến lược phục hồi, tăng trưởng du lịch

Đại diện sở Du lịch, Hiệp hội và doanh nghiệp du lịch các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Bình đã cùng nhau ngồi lại để tìm hướng khôi phục du lịch 2022.

Trong khuôn khổ hội nghị kích cầu du lịch Nghệ An năm 2022, đại diện sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa và Hà Tĩnh đã có chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trên địa bàn để từ đó tìm ra phương hướng phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch.

Lãnh đạo các sở, ban, ngành du lịch của 4 tỉnh tham gia hội nghị.

Trao đổi trong chương trình, ông Lê Trần Sáng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là các lao động trong ngành du lịch, dịch vụ đã chuyển sang các ngành nghề khác. Ngoài ra, trong chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì lại không có những người làm trong ngành du lịch.

Tuy nhiên, sau thời gian dài bị “đóng băng” bởi dịch Covid-19, ngành du lịch Hà Tĩnh đang nỗ lực vượt khó với hàng loạt chương trình kích cầu, giảm giá nhằm thu hút du khách. Thị trường du lịch Hà Tĩnh đang dần “nóng” lại với nhiều tín hiệu vui, hứa hẹn nơi đây sẽ trở thành một điểm đến lý tưởng cho khách thập phương trong tương lai.

“Ngay khi hoạt động du lịch được phép mở cửa trở lại phù hợp với cấp độ dịch trên địa bàn, nhiều khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú ở Hà Tĩnh đã bắt tay chuẩn bị các điều kiện để đón du khách tham quan trên tinh thần đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19”, ông Sáng nói.

Ông Lê Trần Sáng, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh.

Về những khó khăn trong thời gian qua, bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết nguồn nhân lực đang là vấn đề khiến địa phương này “đau đầu”.

Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến hoạt động du lịch Thanh Hóa rơi vào tình trạng “đóng băng”. Hàng trăm nhà hàng, khách sạn buộc đóng cửa, cả chục nghìn lao động thất nghiệp... Quan trọng nhất là người lao động cũng đã phải đi tìm ngành nghề khác, trong đó không ít người được đào tạo chuyên sâu về du lịch.

“Mặc dù hoạt động du lịch vẫn đang đối diện với những khó khăn rất lớn, song chúng ta có nhiều cơ sở để tin tưởng ngành du lịch cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng, sẽ sớm phục hồi khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát”, bà Yên nói.

Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho hay, các điểm, tour tuyến du lịch tại tỉnh Quảng Bình đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới, du khách đến với Quảng Bình sẽ không bắt buộc thực hiện cách ly y tế nếu đáp ứng yêu cầu về an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Quảng Bình cũng đã đón đoàn khách du lịch đầu tiên sau thời gian dài đóng cửa do dịch bệnh Covid-19. Việc đón khách sẽ tuân thủ theo các quy định an toàn của bộ Y tế, đảm bảo thực hiện 5K, nhân viên đều được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, hành khách được test nhanh trước khi đến và rời đi. Tùy vào tình hình, ngành Du lịch Quảng Bình sẽ cho phép hành khách tự do đi lại nhưng phải tự theo dõi sức khỏe chính mình.

“Chúng tôi cùng ngồi thảo luận của doanh nghiệp, lữ hành về phương án nếu khách có người nhiễm Covid-19. Nếu có tình huống như vậy, chúng tôi sẽ tiến hành cách ly ngay tại nơi cư trú, tạo điều kiện tối đa cho khách du lịch. Tất cả những du khách sẽ được kiểm soát chặt chẽ về y tế nhằm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh nếu thành viên đoàn liên quan đến dịch bệnh Covid-19”, ông Hà nói.

Du lịch Quảng Bình được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, sự phục hồi của ngành công nghiệp không khói này sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành kinh tế khác, đặc biệt là các ngành dịch vụ.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch.

Về hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết sắp tới đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua tổ chức các sự kiện, gặp gỡ báo chí, tọa đàm. Không những vậy, đơn vị sẽ tổ chức một số chương trình du lịch Việt Nam, tổ chức truyền thông quốc tế từ hội chợ.

Trao đổi thêm về cách giải quyết khó khăn trước thời điểm mở cửa lại sau thời gián đoạn, ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Khách sạn, Tổng cục Du lịch cho biết: “Chúng tôi đã họp bàn và sắp tới sẽ ban hành văn bản chuẩn bị cho các công tác phục hồi du lịch. Tuy nhiên, yêu cầu các sở Du lịch chủ động tham mưu cho UBND tỉnh để mở lại du lịch, các cơ sở kinh doanh cũng chủ động sửa lại cơ sở vật chất, doanh nghiệp cũng phải chủ động đào tạo lại nhân lực”.

Lễ ký kết bản ghi nhớ triển khai chương trình “Trở lại Bắc Trung Bộ năm 2022”.

Hưởng ứng chương trình phát động phục hồi, mở cửa lại hoạt động du lịch của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các tỉnh Bắc Trung Bộ phục hồi nhanh ngành du lịch trong năm 2022, câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội phát động chương trình “Trở lại Bắc Trung Bộ năm 2022”.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ triển khai chương trình “Trở lại Bắc Trung Bộ năm 2022” giữa các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa và Hà Tĩnh với câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội.