Kinh tế vĩ mô

4 tháng đầu năm xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 31,8 tỷ USD

Ngành nông nghiệp đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ.

Nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt trên 1 tỷ USD 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 31,8 tỷ USD, tăng 7% so với 4 tháng đầu năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 17,9 tỷ USD, tăng 15,6%; nhập khẩu khoảng 13,9 tỷ USD, giảm 2,3%. Như vậy, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt gần 4 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021. 

Riêng trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước trên 4,8 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 4/2021, giảm 2,6% so với tháng 3/2022. Trong số đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính khoảng 1,9 tỷ USD, lâm sản chính ước gần 1,6 tỷ USD, thủy sản đạt gần 1,1 tỷ USD và chăn nuôi đạt 29,7 triệu USD…

Như vậy, trong 4 tháng, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 7,4 tỷ USD, tăng 10,5%; lâm sản chính đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 4,9%; thủy sản ước đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 43,7%; chăn nuôi ước đạt 105,4 triệu USD, giảm 19%. 

Đặc biệt, xuất khẩu đầu vào sản xuất khoảng 883 triệu USD, tăng 70,7%, nhất là phân bón có giá trị  xuất khẩu khoảng 439 triệu USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành nông nghiệp đã có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ. Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ như: cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Chế biến nông sản tại Công ty phát triển kinh tế Duyên Hải. Ảnh: Sài Gòn giải phóng. 

Cụ thể, giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 59,4%; cao su đạt khoảng 869 triệu USD, tăng 10,9%; hồ tiêu khoảng 367 triệu USD, tăng 29,6%; sắn và sản phẩm sắn đạt 574 triệu USD, tăng 29,5%; cá tra đạt 894 triệu USD, tăng 89,6%; tôm đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 38,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 5,5 tỷ USD, tăng 4,5%; mây, tre, cói thảm đạt 339 triệu USD, tăng 22,7%.  

Những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm gồm: chè đạt 51 triệu USD, giảm 13,2%; nhóm hàng rau quả đạt khoảng 1,2 tỷ USD, giảm 14,6%; hạt điều ước đạt 889 triệu USD, giảm 6,7%.

Tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu 

Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á, chiếm 41% thị phần; châu Mỹ chiếm 29,7%; châu Âu là 12,8%. Còn lại là châu Phi và châu Đại Dương với thị phần lần lượt là 1,8% và 1,7%.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ đạt gần 4,9 tỷ USD, chiếm 27,3% thị phần; trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch  xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tại thị trường này. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 3,2 tỷ USD, chiếm 18,1% thị phần với kim ngạch xuất khẩu nhóm cao su chiếm 22,4% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường. Bộ chuẩn bị tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc.

Đồng thời, tập trung đàm phán, hoàn thiện các thủ tục (đánh giá rủi ro, kiểm tra...) để thúc đẩy xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng bưởi, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi sang Mỹ.

Các đơn vị tiếp tục hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện quy định Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đến nay, đã có 2.033 mã sản phẩm được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Gỗ là 1 trong những sản phẩm xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tại các cửa khẩu; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc.

Gạo Việt "tăng tốc" vào ASEAN 

Sáng 4/5, Văn phòng Bộ Công thương thông tin, loại gạo chất lượng cao của Việt Nam đang được xuất khẩu mạnh sang các nước trong khu vực ASEAN với giá bán cao. Việt Nam sẽ giảm xuất khẩu loại gạo trắng thường vì không cạnh tranh được với gạo giá rẻ của Myanmar, Pakistan và Ấn Độ...

Theo Bộ Công thương, những năm qua, gạo là mặt hàng nông sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang ASEAN. Đây là thị trường lớn với dân số gần 700 triệu dân. Người dân ASEAN có nhiều nét tương đồng về lối sống, văn hóa và sinh hoạt, ưu thế về khoảng cách địa lý gần với Việt Nam. Do đó, dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của gạo Việt Nam sang khu vực ASEAN còn rất lớn. 

Trong số các nước ASEAN, lúa gạo của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippines. Năm 2021, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với lượng xuất khẩu đạt 2,45 triệu tấn, với kim ngạch trên 1,25 tỷ USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, tăng 10,7% về lượng, tăng 18,5% về kim ngạch và tăng 7,1% về giá so với năm 2020, chiếm 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Quý 1, Philippines tiếp tục đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch.

Ngoài Philippines, gạo Việt Nam còn được xuất khẩu sang các thị trường quan trọng khác trong ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia trong tháng 1 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với tháng 12-2021, với mức tăng tương ứng 163,4% và 156%. So với tháng 1-2021 cũng tăng mạnh 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt 34.925 tấn, tương đương 16,07 triệu USD.

Gạo xuất khẩu sang Philippines và Indonesia chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm từ 20-25%, cạnh tranh chủ yếu bằng giá. Về mặt chiến lược, ngành lúa gạo của Việt Nam sẽ giảm dần xuất khẩu các loại gạo trắng thường vì không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ, để tăng cường sản xuất loại gạo chất lượng cao. 

Những năm về trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35 đến 40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo thì đến năm 2020 con số này đã đạt từ 75 đến 80%. Việc này đã đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên rất nhanh trong vài năm gần đây, nhất là từ năm 2020.

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn. Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo sang ASEAN, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường trong ASEAN, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…

Ngày 5/5, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cùng các Thương vụ Việt Nam tại ASEAN sẽ tổ chức phiên tư vấn chuyên đề xuất khẩu sản phẩm lúa gạo sang thị trường ASEAN để giúp doanh nghiệp Việt Nam mau chóng định hình và nắm bắt cơ hội này. 

Hương Anh (tổng hợp)