Chính sách

36 tỉnh/thành chưa đạt định mức tiếp công dân

Theo quy định, Chủ tịch UBND tỉnh phải tiếp công dân định kỳ 12 buổi/năm. Ngoài một số tỉnh có số buổi tiếp công dân vượt định mức thì có tới 36 tỉnh chưa đủ số kỳ tối thiểu.

Tiếp công dân tốt thì khiếu kiện vượt cấp giảm

Sáng 14/11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018 (từ 16/8/2017 đến 15/8/2018).

Đánh giá về một số chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, báo cáo nêu rõ: Việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu UBND các cấp ở nhiều địa phương có sự chuyển biến rõ rệt, chẳng hạn như Chủ tịch UBND một số tỉnh tiếp công dân định kỳ vượt định mức như ở Tiền Giang (tiếp 27/12 ngày, đạt 225% quy định), Tuyên Quang (24/12 ngày, đạt 200%)...

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018.

Trong số 42 tỉnh có số liệu báo cáo, có 7 tỉnh tỷ lệ tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch cấp huyện vượt định mức như: Hậu Giang (đạt 189% định mức), Hải Phòng (178%), Phú Thọ (135%), Bình Dương (115%), Lâm Đồng (114%), Quảng Ninh (113%), Tiền Giang (111%) ; 1 tỉnh đạt 100% (An Giang).

Trong số 38 tỉnh có số liệu báo cáo, có 1 tỉnh tỷ lệ tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch cấp xã vượt định mức (Kon Tum đạt 109%); 01 tỉnh đạt 100% quy định (An Giang).

Thực tế cho thấy, đơn vị nào có chất lượng tiếp công dân tốt thì nhiều vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay tại cơ sở, việc khiếu nại vượt cấp giảm đáng kể như tại Hậu Giang, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Ninh... đồng thời việc đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật cũng được quan tâm hơn và có những chuyển biến tích cực.

Xem thêm>>> Phát hiện 6 trường hợp vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập: Đừng “đánh trống bỏ dùi”

Còn ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra một số mặt hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực này. Cụ thể, việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định luật Tiếp công dân (luật Tiếp công dân quy định tại khoản 5, Điều 12: "5. Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 01 ngày trong 01 tháng...". Tại khoản 5, Điều 13: "5. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng..." và tại điểm d, khoản 2, Điều 15, Chủ tịch UBND cấp xã: "d) Trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã ít nhất 01 ngày trong 01 tuần...").

Do vậy, báo cáo nhận định rằng, việc tiếp công dân còn chưa gắn với thẩm quyền giải quyết nên chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm.

Đối với Chủ tịch UBND cấp tỉnh, số buổi tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48,3% so với quy định (số liệu tập hợp với 39 tỉnh, theo quy định Chủ tịch UBND tỉnh phải tiếp công dân định kỳ 12 buổi/năm. Số buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND của 39 tỉnh phải là 468 buổi (39x12), tuy nhiên theo số liệu được tập hợp trong các báo cáo thì chỉ đạt 226/468 buổi (đạt 48,3%)); còn 36 tỉnh chưa đạt mức theo quy định, 24 tỉnh không báo cáo số liệu.

Ngoài ra, việc uỷ quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân còn khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, tỷ lệ ủy quyền còn nhiều, trung bình chiếm 64,35% .

Đối với Chủ tịch UBND cấp huyện, tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 71,8% so với quy định (Số liệu tập hợp với 42 tỉnh, theo quy định Chủ tịch UBND huyện phải tiếp công dân định kỳ 24 buổi/năm. 42 tỉnh có 461 huyện, số buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND 461 huyện phải là 11.064 buổi (461x 24), tuy nhiên theo số liệu được tập hợp trong các báo cáo thì chỉ đạt 7.940/11.064 buổi (đạt 71,8%)); còn 35 tỉnh có tỷ lệ tiếp định kỳ của Chủ tịch cấp huyện chưa đạt mức quy định, 21 tỉnh không báo cáo số liệu.

Đặc biệt tỷ lệ tiếp công dân định kỳ trung bình của Chủ tịch UBND xã đạt rất thấp, so với quy định chỉ đạt 24% (đáng lưu ý có tỉnh, lệ này chỉ đạt dưới 5%); có 25 tỉnh không báo cáo số liệu.