TV Show

32 năm Hồng Lâu Mộng: Giấc mộng trong chiếc lầu hồng hay kiếp người chỉ như một trường mộng ảo

Dựa trên nguyên tác của tác giả Tào Tuyết Cần, bộ phim Hồng Lâu Mộng đi vào lòng người để nhắc nhớ những nỗi buồn không bao giờ có hồi kết.

Hồng Lâu Mộng – giấc mộng trong chiếc lầu hồng

Hồng Lâu Mộng là bức tranh hiện thực về xã hội phong kiến Trung Quốc trên con đường suy tàn.

"Hồng Lâu Mộng hầu như đã bao chứa toàn bộ tư tưởng và cuộc sống của xã hội phong kiến Trung Hoa, là một bộ bách khoa toàn thư về xã hội ấy" - GS Phan Văn Các.

Xã hội Trung Quốc khi ấy được phủ một lớp màu hào nhoáng tôn nghiêm và nề nếp. Nhưng thực chất phía trong nó lại là xã hội thượng lưu lại chứa đầy những bất công, xảo trá, dâm ô và lừa lọc.

Trong cái xã hội tưởng chừng đầy tôn nghiêm ấy lại tồn tại những mối quan hệ tàn nhẫn giữa chính con người với nhau. Họ sẵn sàng chà đạp lên người khác chỉ vì mục đích tư lợi.

Giả Bảo Ngọc – nam nhân xuất chúng của nhà họ Giả và Lâm Đại Ngọc – người đẹp u ẩn sầu bi như những bông hoa thanh khiết mọc lên giữa rừng ô uế để rồi nhuốm sắc mà rơi rụng héo tàn.

Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc là những đứa con "bất hiếu", những thanh niên sống "ngược dòng", họ chống lại quan niệm trọng nam khinh nữ.

Họ chỉ theo đuổi cuộc sống tự do và tình yêu, không bị khuôn phép ràng buộc. Để đến cuối cùng cả hai nhận về mình những đắng cay bất hạnh.

Bảo Ngọc là đứa cháu xuất chúng của nhà họ Giả được bà nội nuông chiều, cho ở trong vườn Đại Quan – xa hoa, tráng lệ, huy hoàng cùng một rừng a hoàn nhan sắc như Tập Nhân, Tình Văn,…

Khu vườn Đại quan này chỉ dành cho 12 cô tiểu thư xinh đẹp của hai phủ Vinh và phủ Ninh lui tới vui chơi. Chính nơi đây, Bảo Ngọc tìm thấy chân tâm của mình là cô gái Lâm Đại Ngọc mỏng manh, yếu đuối "như những cành liễu bên hồ với những ngón tay búp măng và đặc biệt đôi mắt luôn đượm sầu".

Trái với Đại Ngọc, ở Giả phủ, cô chị họ Tiết Bảo Thoa một mỹ nhân đài các, sắc sảo, đức hạnh theo đúng khuôn phép chuẩn mực phong kiến. Bảo Thoa hết mực yêu mến Bảo Ngọc và luôn khuyến khích Bảo Ngọc học hành đỗ đạt.

Tiết Bảo Thoa xuất chúng hơn người trong Hồng Lâu Mộng

Nhưng oái oăm thay, chỉ có Đại Ngọc kiều diễm và đa cảm là người duy nhất hiểu được tâm hồn Bảo Ngọc, chàng trai đang chán ngấy cái con đường quan trường vốn là niềm khao khát kỳ vọng của cả nhà họ Giả đã ký thác vào chàng.

Họ yêu nhau nhưng tình yêu của họ đã bị dập vùi trong đau khổ. Cả nhà họ Giả đã quyết định chọn Tiết Bảo Thoa cho Bảo Ngọc bằng kế "đánh tráo" của Phượng Thư. Ngày kết hôn, Bảo Ngọc cứ yên chí là "cưới em Lâm", nhưng khi giở khăn che mặt, Bảo Ngọc sững sờ vì người bái đường với mình hóa ra là Bảo Thoa.

Nghe tiếng pháo hỉ, Lâm Đại Ngọc đau buồn đến mức ho ra máu. Sau cơn ốm nặng, nàng đã đau đớn oán hờn, đốt thơ, đốt khăn mà chết giữa lúc cả nhà họ Giả linh đình hoan hỉ.

Còn Bảo Ngọc sau khi phát hiện ra kế tráo cô dâu nên đã bỏ về đi tu bỏ mặc Bảo Thoa "chăn đơn gối chiếc".

Kết thúc bộ phim là một khúc nhạc ai oán cho cuộc sống vương giả như mây tan bèo dạt, như một "giấc mộng trong chiếc lầu hồng" và như một sự chiêm nghiệm về lẽ đời của nhà họ Giả.

Hồng Lâu Mộng và bức màn chưa kịp vén

Ra đời cách đây 30 năm dựa trên nguyên tác của tác giả Tào Tuyết Cần, Hồng Lâu Mộng bản 1987 trở thành một trong những tác phẩm truyền hình kinh điển nhất mọi thời đại của điện ảnh Trung Hoa mà khó có phiên bản nào có thể qua mặt.

Hậu trường ít được công bố của Hồng Lâu Mộng 1987.

Hồng Lâu Mộng bản 1987 được khai sinh nhờ bàn tay nhào nặn xuất thần của đạo diễn Vương Phù Lâm cùng với sự tham gia sản xuất, chế tác của rất nhiều nhà nghiên cứu Hồng Lâu Mộng.

Bộ phim quy tụ hơn 213 nhân vật nữ từ cao sang quyền quý tới các tiểu thư khuê các cùng tầng lớp hạ lưu.

Với dàn diễn viên cực "khủng", Hồng Lâu Mộng trở thành bộ phim có số lượng người tham gia đông nhất từ trước tới giờ.

Mặc dù phiên bản gốc của tiểu thuyết kéo dài đến 120 hồi nhưng khi chuyển thể thành phim, các nhà thực hiện đã tinh tuyển 36 hồi tiêu biểu để có 36 tập phim xuất sắc.

Về cơ bản nội dung của Hồng Lâu Mộng bản truyền hình đều được giữ đúng theo nguyên tác từ bối cảnh đến lời thoại để tạo ra tính chân thực đồng thời bày tỏ lòng cảm tạ với bậc danh thư Tào Tuyết Cần - người đã đem đến nhân loại một áng điển thư bất hủ.

(Còn tiếp)

Để theo dõi tiếp, mời quý độc giả đón xem phần 2: "Hồng Lâu Mộng - hé mở câu chuyện hậu trường chưa từng được công bố" được đăng tải vào Chủ nhật, ngày 17/2 trên báo điện tử Người Đưa Tin.  

Minh Anh