Kinh tế vĩ mô

310 triệu kWh điện phát từ các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp

EVN cho biết, hiện đã có 20 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thành thủ tục COD và phát khoảng 310 triệu kWh lên lưới điện.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến hết ngày 18/8, có 20 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới.

Tổng công suất của 20 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp là 1.171,72 MW.

So với tuần trước, có thêm 2 dự án/phần dự án hoàn thành thủ tục COD gồm: 38/40 turbine Nhà máy Điện gió Lạc Hòa 2 (công suất 123,6 MW) và 24 turbine còn lại của Nhà máy Điện gió Hưng Hải Gia Lai (96 MW).

Cũng tính đến hết ngày 18/8, đã có 79/85 dự án với tổng công suất 4.449,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, 67 dự án (tổng công suất 3.849,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá.

EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 61/67 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.

Hiện đã có 20 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thành thủ tục COD và phát khoảng 310 triệu kWh lên lưới điện.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 17/8 đạt hơn 310 triệu kWh, trong đó sản lượng điện phát trung bình ngày chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Hồi tháng 5, Bộ Công Thương cho biết lý do chậm đàm phán, vận hành các dự án điện tái tạo chuyển tiếp là nhiều chủ đầu tư vi phạm quy định về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, nên chưa đáp ứng thủ tục pháp lý.

Cũng theo bộ này, nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý để cấp phép hoạt động điện lực cho dự án - thủ tục cần thiết theo Luật Điện lực để dự án điện được khai thác. Đây cũng là lý do dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.

Đàm phán giá tạm, đơn giản thủ tục để sớm vận hành và phát điện với các dự án tái tạo chuyển tiếp, song Bộ Công Thương nói việc này cũng cần đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.