Sức khỏe

30 phút cứu sống bệnh nhân nôn ra máu 2 ngày liên tục

Bệnh nhân T.H.V. (SN 1959; ngụ hường 6, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) nhập viện trong tình trạng da xanh xao, da niêm nhợt nhạt, vã mồ hôi, suy hô hấp, tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, xuất huyết tiêu hóa nặng, tiên lượng tử vong cao.

Báo Người Lao Động đưa tin, các bác sĩ Khoa Nội soi và Khoa Nội tiêu hoá của bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ vừa cứu sống trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa rất nặng.

Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân, ông V. từng mổ nối vị tràng 10 năm trước đó. Trong 2 ngày 12 và 13/6, bệnh nhân liên tục bị nôn ra máu và tiêu phân đen lượng nhiều nên được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Sau đó do tình trạng xuất huyết tiêu hóa không cải thiện nên bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ.

Tại đây, các bác sĩ Khoa Cấp cứu nhanh chóng tiếp nhận và xử trí cấp cứu bằng cách truyền dịch, truyền máu… Lượng máu mất rất nhiều, số lượng huyết sắc tố Hb 3,4g/dl (bình thường 12-15g/dl), xét nghiệm có tình trạng toan chuyển hoá, suy hô hấp nặng và được xử trí thở máy, chống toan, dùng thuốc ức chế bơm proton đường tĩnh mạch... Các bác sĩ từ nhiều chuyên khoa đã tiến hành hội chẩn và thống nhất khi tình trạng cho phép sẽ tiến hành nội soi can thiệp cầm máu cấp cứu cho bệnh nhân.

Bệnh nhân đã được nội soi nối vị tràng, phần phình vị, thân vị trên có nhiều máu cục đỏ bầm, thân vị dưới có miệng nối to có 2 quai, được tiêm Adreanaline 1/10.000, kẹp 4 clip… Sau 30 phút can thiệp, tình trạng xuất huyết đã được kiểm soát, huyết áp ổn định, toan chuyển cải thiện dần, cai thở máy và rút ống thở.

Bệnh nhân V. đã qua cơn "thập tử nhất sinh".

Sau hơn 5 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân chuyển biến tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, bụng mềm, không thấy xuất huyết tiêu hóa tái phát, dự kiến ra viện trong ngày 23/6, báo Công an TPHCM thông tin thêm.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Quỳnh Mai, người trực tiếp tiến hành nội soi cấp cứu cho bệnh nhân, cho biết, kẹp clip cầm máu qua nội soi là một trong những biện pháp cơ học phổ biến và hiệu quả, nhất là trong các trường hợp xuất huyết không do vỡ thực quản. Kẹp clip cầm máu phát huy hiệu quả trong các trường hợp chảy máu đang hoạt động, các tổn thương mạch máu lộ. Hiệu quả cầm máu ban đầu của kẹp clip cầm máu trong xuất huyết đường tiêu hoá rấ cao (trên 97,6%) và tỷ lệ xuất huyết tái phát chỉ 2,4%.

Minh Hoa (t/h)