Kinh tế

3 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu ngô nhiều nhất từ nước nào?

3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu ngô các loại đạt trên 2,78 triệu tấn, trị giá gần 702,74 triệu USD, trong đó Brazil là thị trường cung cấp ngô lớn nhất.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu ngô các loại trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt trên 2,78 triệu tấn, trị giá gần 702,74 triệu USD, giá trung bình 252,7 USD/tấn, tăng 27,1% về lượng, nhưng giảm 4,8% kim ngạch và giảm 25,1% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, riêng tháng 3/2024 đạt 871.741 tấn, tương đương 215,88 triệu USD, giá trung bình 247,7 USD/tấn, giảm 6,5% về lượng và giảm 9,1% kim ngạch so với tháng 2/2024, giá cũng giảm 2,8%; so với tháng 3/2023 thì tăng 13,6% về lượng, nhưng giảm 17,2% về kim ngạch và giảm 27,1% về giá.

Thông tin trên báo Công Thương, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2024, chiếm 53,4% trong tổng lượng và chiếm 54,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt 1,49 triệu tấn, tương đương gần 381,27 triệu USD, giá 256,6 USD/tấn, tăng mạnh 22,5% về lượng, nhưng giảm 5,8% kim ngạch và giảm 23% về giá so với 3 tháng đầu năm 2023.

Ảnh minh họa.

Thị trường lớn thứ 2 là Argentina, trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 728.759 tấn, tương đương 178,79 triệu USD, giá 245,3 USD/tấn, chiếm trên 26,2% trong tổng lượng và chiếm 25,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 79,5% về lượng, tăng 31,6% về kim ngạch nhưng giá giảm 26,7% so với 3 tháng đầu năm 2023.

Tiếp đến thị trường Lào 3 tháng đầu năm 2024 đạt 66.033 tấn, tương đương 16,55 triệu USD, giá 250,6 USD/tấn, chiếm 2,4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 11% về lượng, nhưng giảm 20,3% về kim ngạch và giá giảm 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhìn nhận ngô là mặt hàng quan trọng trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm.

"Đây là mặt hàng gắn chặt với chăn nuôi. Nên ngũ cốc này chiếm gần 40% trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm tùy theo giai đoạn phát triển, trạng thái sinh lý của cơ thể loại vật nuôi.

Vì nguồn cung từ ngành trồng trọt trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 37% lượng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Do đó, hằng năm ta vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập loại nguyên liệu này", vị này cho hay.

Cho biết thêm lý do của việc nhập khẩu ngô , ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - nói: "Việt Nam cần ngô để sản xuất thức ăn cho ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và cho cả ngành thủy sản làm thức ăn cho tôm, cá. Trong khi đó, ngô nhập khẩu giá rẻ, chất lượng và doanh nghiệp Việt có thể nhập được với số lượng lớn, ít bị hạn chế.

Cũng theo ông Đoán, năm 2019 dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Việt Nam, lượng ngô nhập khẩu vẫn tăng, có lúc Việt Nam từng là nước nhập khẩu ngô lớn nhất của Mỹ.

Theo khảo sát của Statista, Việt Nam vừa nằm trong nhóm 30 quốc gia trồng ngô lớn nhất trên thế giới, vừa ở nhóm các quốc gia nhập khẩu ngô nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, châu Âu, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ai Cập…

Năm 2023, Việt Nam chi 2,87 tỷ USD nhập khẩu ngô các loại, tăng 1,1% về lượng và giảm 14,1% về kim ngạch so với năm 2022.

Nhu cầu nhập khẩu ngô của Việt Nam còn tăng cao

Theo USDA đánh giá, Việt Nam từng sản xuất sản lượng ngô khổng lồ từ năm 1980, nhưng hơn 35 năm sau (khoảng từ năm 2015) lượng ngô có xu hướng giảm, đồng nghĩa với việc lượng ngô nhập khẩu tăng đột biến.

Với xu hướng trong ngành sản xuất thịt, USDA dự đoán nhu cầu nhập khẩu ngô và phụ phẩm ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục tăng cao, với mức gấp ba lần trong nhiều năm tới. Trong đó đứng đầu là ngô, sau đó là lúa mì và lúa mạch.

 

Minh Hoa (t/h)