Sức khỏe

3 sai lầm khi hầm xương khiến nước đục ngầu nhiều bà nội trợ mắc phải

Nước dùng được sử dụng rất nhiều trong các món ăn của người Việt. Để có nồi nước dùng ngon cũng cần những bí quyết riêng và tuyệt đối tránh xa 3 sai lầm này.

Chần xương ngay sau khi rửa: Đa số các bà nội trợ khi mua xương về rửa sạch rồi đun nước sôi chần luôn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cách làm này chưa đúng, phản khoa học.

Trên thực tế, cách làm chuẩn là xương mua về, rửa sạch rồi ngâm với nước trong trước 30 phút. Sở dĩ phải ngâm xương để giúp máu thừa bên trong ra hết, như vậy giảm được mùi tanh hiệu quả khi nấu, nước xương hầm chúng ta làm sẽ trong hơn. Hương vị nước xương thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, không có mùi tanh.

Cho muối vào quá sớm: Nhiều người có thói quen, cứ cho xương vào nồi hầm là cho muối vào luôn. Căn bản mọi người đều nghĩ, cho muối sớm như vậy sẽ giúp xương đậm đà hơn, không bị nhạt, nước xương như vậy sẽ vừa miệng. Hoặc có người đợi đến lúc nước xương chuyển sang màu trắng đục thì cũng cho muối. Tuy nhiên hai thời điểm này bạn cho muối là không đúng vì còn quá sớm.

Việc cho muối sớm làm hạn chế chất ngọt trong xương "thôi" ra ngoài, cũng làm cho nước không trong bằng. Cho muối phải là lúc bạn đã hầm gần xong, chuẩn bị tắt bếp rồi. Lúc này, xương hầm giữ được hương vị nguyên bản nhất. Giá trị dinh dưỡng của món xương hầm sẽ cao.

Để hạn chế sai lầm khi hầm xương, bạn cần tuân thủ các bước rửa sạch, căn chỉnh thời gian ninh hợp lý (Ảnh minh họa).

Nếu cho muối sớm sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng này, vì vậy chúng ta nên cho muối vào nồi sau cùng để có tác dụng tăng vị nhất định.

Không hớt bọt khi hầm xương: Bọt nổi lên bề mặt xương chính là protein kết tủa, các chất bẩn và máu dư trong xương. Hớt bọt không chỉ giúp nước canh được trong mà còn loại bỏ các hoạt chất có hại ra khỏi món ăn.

Ngoài những lưu ý trên, để có nồi nước dùng ngon, các bà nội trợ có thể áp dụng các mẹo nhỏ sau. Chỉ cần tuân thủ những điều này bạn sẽ có một nồi nước dùng trên cả tuyệt vời, ngon như ngoài hàng:

- Sử dụng giấm ăn

Đối với món xương sườn thịt lợn, muốn nhanh chín xương mềm thịt ngon, ngọt. Bạn nêm vào một chút giấm, giấm có tác dụng làm cho các chất canxi, sắt trong sườn tiết ra hết giúp ta tận dụng chất dinh dưỡng, ngoài ra giấm còn làm cho các vitamin không bị phân hủy trong quá trình đun nấu.

- Sử dụng nồi áp suất

Với cách hầm này muốn xương nhanh mềm bạn hãy rửa thật sạch xương. Tiếp đến, phải nhớ luộc qua rồi đổ nước đó đi để loại bỏ chất cặn bẩn trong xương, tiếp theo mới cho vào nồi áp suất, đậy kín.

Thời gian ninh tùy thuộc vào số lượng xương đem hầm, sau đó tắt bếp để nguội. Cách ninh này vừa đỡ tốn gas, nhanh hơn mà lại không làm mất đi chất dinh dưỡng của xương. Bạn cũng có thể lấy nước hầm xương này để cho trẻ nhỏ và người già dùng, nên nhớ phải lọc hết xương vụn. 

- Sử dụng các loại thực phẩm khác

Trước khi nấu, hãy cho thêm các loại thực phẩm như hành tây, thơm (dứa), gừng, sả, khoai tây, cà rốt… vào sẽ khiến nồi xương hầm của bạn ngon, ngọt và lại nhanh mềm.

- Không nêm bằng hạt xương hầm

Đồng thời, khi ninh xương bạn không nêm nếm nước xương bằng bột nêm vì loại gia vị này làm từ hạt xương hầm sẽ khiến cho nồi nước dùng bị đục. Thay vào đó, hãy nêm bằng muối.

Xử lý khi nước dùng bị đục:

- Cho vào nồi nước dùng vài tai nấm đông cô (nấm hương) hoặc vài lát khoai tây sống cũng là cách làm cho nồi nước dùng trong trở lại.

- Lược nước dùng qua một xoong khác với một khăn vải mỏng rồi đun lại.

- Nếu ninh xương gà mà bị đục thì có thể cho tiếp xương gà vào đun cũng làm cho nước trong hơn.

- Lấy một lòng trắng trứng, đánh tan cho vào nồi nước dùng, khuấy đều lên cho bọt cuốn vào đó rồi hớt ra, nước dùng sẽ trong trở lại.

- Lòng trắng trứng đánh tan, cho vào nước dùng (lúc nguội), đặt lên bếp vừa đun vừa khuấy đều cho các vẩn đục bám hết vào trứng.

- Băm thịt (nước dùng gì thì băm thịt ấy), trộn lòng trắng trứng, nấm hương cho vào nước dùng nguội sẽ làm nước dùng vừa trong vừa ngon hơn.

Lam Anh (Tổng Hợp)