Sự kiện

3 nhóm vấn đề chất vấn Tư lệnh ngành Nông nghiệp

Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời nhóm 3 vấn đề được các ĐBQH quan tâm liên quan đến xuất khẩu nông sản, gỡ thẻ vàng IUU và đảm bảo an ninh lương thực.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã có báo cáo giải trình các vấn đề chất vấn gửi các đại biểu Quốc hội. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn các vấn đề của ngành Nông nghiệp tại phiên họp thứ 25 Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 15/8.

Theo đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời nhóm 3 vấn đề được các ĐBQH quan tâm. Thứ nhất là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản, liên quan đến thị  trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số  mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân  bị ảnh hưởng. 

Thứ hai là hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Thứ ba là việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo. 

Về những kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá: “Các cân đối cung - cầu, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc; nguồn cung, sản lượng lúa gạo, thịt hơi, sữa tươi, trứng gia cầm, thuỷ sản…đáp ứng tiêu dùng nội địa và cho xuất khẩu”. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ trả lời nhóm 3 vấn đề được các ĐBQH quan tâm liên quan đến xuất khẩu nông sản, gỡ thẻ vàng IUU và đảm bảo an ninh lương thực.

Thông tin về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu các tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh công tác chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thuỷ sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả  sản xuất, kinh doanh. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Định hướng các địa phương có kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường. 

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, châu Âu...); mở cửa các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi...; Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến,  tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch. 

Ngoài ra, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng ngành năm 2023. Chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ  các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành.  

Phát triển thị trường lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn bền vững. Chú trọng đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế, kỹ năng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và thị trường;  gắn nhiệm vụ đào tạo với các cơ sở giáo dục, đào tạo, các viện, trường.  

Cuối cùng là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, khơi thông các nguồn lực đầu tư.