Đời sống

3 loại thịt làm tăng nguy cơ mắc ung thư, dù thích cũng nên hạn chế ăn

Có 3 loại thịt được giới chuyên gia cảnh báo làm tăng nguy cơ mắc ung thư bậc nhất, có thích đến đâu bạn cũng nên hạn chế ăn.

Thịt chế biến sẵn

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại thịt qua chế biến vào nhóm chất gây ung thư số 1. Điều này có nghĩa các chuyên gia của WHO đã tìm ra bằng chứng mạnh mẽ cho thấy thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Thịt chế biến sẵn là thịt được biến đổi qua quá trình ướp muối, xử lý, lên men, hun khói hoặc quy trình khác để tăng hương vị và khả năng bảo quản. Hầu hết loại thịt đã qua chế biến đều chứa thịt bò, lợn hoặc thịt đỏ khác, gia cầm, nội tạng, tiết. Một số loại thịt đã qua chế biến thường thấy như giăm bông, thịt xông khói, salami…

Các nghiên cứu cho thấy một số hóa chất trong thịt chế biến sẵn khiến những thực phẩm này có thể gây ung thư. Ví dụ, chất bảo quản nitrit và nitrat được sử dụng để bảo quản thịt đã qua chế biến tạo ra các hóa chất N-nitroso, có thể phá hủy tế bào lót ruột, gây ung thư ruột. Ăn thịt đỏ thường xuyên có thể gây hại cho tim vì loại thịt này chứa nhiều mỡ bão hòa.

Đáng chú ý, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO đã phân tích dữ liệu từ 10 nghiên cứu và ước lượng được rằng nếu mỗi mỗi người tiêu thụ 50g thịt chế biến sẵng hàng ngày (tương đương với khoảng 4 miếng thịt xông khói hoặc 1 chiếc xúc xích) thì nguy cơ ung thư đại trực tràng sẽ tăng lên khoảng 18%. Đồng thời, bằng chứng hạn chế cũng cho thấy ăn quá nhiều thực phẩm này có thể gây ung thư dạ dày .

Thịt nướng

Trong quá trình nướng, phần mỡ của thịt sẽ chảy ra, tạo nên khói than. Phần than này bám vào thịt. Ngoài ra, các protein, đường và các hạt cơ của thịt phản ứng với nhiệt độ cực cao, tạo thành benzopyrene. Trong đó, phần cháy khét của thịt nướng có chứa các amin dị vòng có khả năng gây ung thư cao nhất.

WHO đã xếp benzopyrene vào loại chất gây ung thư loại 1. Đồng thời nhấn mạnh, các thực phẩm chứa benzopyrene như thịt nướng, thịt chiên có thể gây ung thư dạ dày, ruột và thực quản, cũng như ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt.

Thịt đỏ

Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (IARC) thuộc WHO nhận thấy thịt đỏ có liên quan đến bệnh ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy loại thực phẩm này có thể dẫn đến bệnh ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt.

Một nghiên cứu cho biết thịt đỏ chứa một loại protein có khả năng làm tổn thương ruột người, làm suy yếu các tế bào, và khiến vi khuẩn trong cơ thể sản xuất các hóa chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư. Loại protein ấy là heme – thứ tạo màu đỏ của thịt, cũng chính là thứ có thể làm hỏng niêm mạc ruột của chúng ta.

Đặc biệt, với thịt khi được hun khói, ướp muối, nếu được bảo quản trong thời gian dài, ở môi trường nóng ẩm dễ sinh nấm mốc. Phần mốc của thịt có thể chứa aflatoxin là một độc tố gây ung thư mạnh và có thể ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là gan và thận. Chúng gây ra bệnh ung thư gan và có liên quan đến các bệnh ung thư khác. Hơn nữa, tiêu thụ thực phẩm chứa nồng độ aflatoxin từ 1mg/kg trở lên bị nghi ngờ là có khả năng gây ra ngộ độc cấp tính.

Cách ăn thịt tốt cho sức khỏe

Trên thực tế, thịt đỏ là thực phẩm cần thiết cho cơ thể nếu chế biến đúng cách và tiêu thụ với số lượng hợp lý. Đây là loại thịt chứa nhiều vitamin B12 (giúp sản sinh DNA, nuôi dưỡng các tế bào thần kinh và hồng cầu), niacin (B3) và B6. Vitamin nhóm B rất quan trọng với phụ nữ mang thai. Nếu cơ thể người mẹ thiếu hụt vitamin B, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì thế các thai phụ cần ăn thịt để bổ sung đủ lượng vitamin B trong giai đoạn mang thai.

Trong thịt đỏ cũng chứa nhiều hàm lượng protein, sắt và kẽm. Ví dụ cùng một trọng lượng, thịt bò chứa hàm lượng kẽm gấp 11 lần so với cá ngừ và gấp 3 lần lượng sắt so với cải bó xôi.

Theo các chuyên gia, chúng ta nên hạn chế nướng thực phẩm ở nhiệt độ của lò nướng trên mức 300-500 độ C, tránh để thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa.

Chúng ta không nên ăn quá 300-500 g thịt đỏ mỗi tuần. Mỗi tuần nên ăn hai lần, tương đương 100-150 g/lần. Cách chế biến nên là luộc, hầm, hấp thay vì rán, nướng, xào. Ngoài ra, bạn nên thay thế đạm từ thịt đỏ bằng các loại thực phẩm như cá, hải sản, thịt gia cầm, trứng... Với thịt đã qua chế biến, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên hạn chế nhất có thể.

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, mỗi người nên ăn đa dạng các loại thực phẩm đủ 4 nhóm chất đường bột, đạm (đạm động vật, đạm thực vật), chất béo, vitamin và khoáng chất. Đi cùng với dinh dưỡng là lối sống cân bằng, tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.

Minh Hoa (t/h)