Đối thoại

3 khuyết tật của văn bản pháp luật làm “nóng” Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ đã nêu lên 3 khuyết tật của văn bản pháp luật khi thiếu liêm chính thì luật đưa ra sẽ quy định lợi ích thô thiển của một số bộ, ngành.

Liêm chính là nguyên tắc tối cần thiết

Dự thảo báo cáo về công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trình bày trước Quốc hội sáng 24/3 đã được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều 25/3 và thảo luận tại hội trường sáng 26/3, cùng với một số báo cáo khác.

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (đoàn ĐBQH tỉnh An Giang), đồng tình rất cao và tự hào vì ĐBQH khóa XIV đã làm tròn vai ĐBQH trước nhân dân với những quyết sách và những kết quả đã được thể hiện trong 2 báo cáo của ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ đặt vấn đề về câu chuyện liêm chính trong việc xây dựng pháp luật trong phần phát biểu của mình.

“Tôi xin bắt đầu bằng sự lưu ý mang tính mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật ngày 24/11/2020, là “cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật”, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ nêu.

Theo ông, liêm chính trong ứng xử xã hội là việc tự tạo áp lực cho chính mình trong việc thực hiện các hành vi xã hội và là một trong những nguyên tắc để mỗi con người chúng ta trở thành công dân tốt hơn cho đất nước và cho xã hội.

Còn liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là một nguyên tắc tối cần thiết vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội, thúc đẩy quan hệ xã hội lành mạnh và ngày càng tốt đẹp hơn.

"3 khuyết tật"  của văn bản pháp luật làm “nóng” Quốc hội.

“Pháp luật không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của bộ phận nhỏ xã hội, nhất là lợi ích của cơ quan, đơn vị, tổ được giao soạn thảo luật.

Trong công tác xây dựng pháp luật, rất cần liêm chính. Bởi lẽ, nếu có liêm chính thì sẽ xây dựng được những văn bản pháp luật khách quan, toàn diện, có ý nghĩa rất tốt trong việc thúc đẩy các quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn và các văn bản pháp luật đó sẽ không hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật đã được Quốc hội các khóa, các kỳ họp trước kỳ công ban hành; đồng thời, không quy định lợi ích thô thiển của một số bộ ngành, đặc biệt là lợi ích bộ ngành được giao soạn thảo dự án luật”, vị ĐBQH đoàn An Giang nói.

3 khuyết tật sinh ra từ thiếu liêm chính

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ khẳng định: “Nếu thiếu hoặc không có sự liêm chính và đặc biệt là thiếu liêm chính trong quá trình soạn thảo và thẩm tra dự án luật, thì sẽ tạo ra những văn bản pháp luật rất nhiều khuyết tật”.

Ông nêu ra 3 khuyết tật: “Khuyết tật thứ nhất là mâu thuẫn chồng chéo với văn bản pháp luật mà Quốc hội các khóa, các kỳ họp đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu ban hành.

Khuyết tật thứ hai là văn bản pháp luật đó sẽ là công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hóa lợi ích của ngành mình, trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc là công cụ để kiếm quyền của bộ ngành khác và trái với quy định của luật Tổ chức Chính phủ cũng như luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Khuyết tật thứ ba là vòng đời của các văn bản luật đó rất ngắn và kéo theo là Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian, kinh phí để ban hành văn bản pháp luật thay thế”.

“Tôi xin khẳng định trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đa số tuyệt đối hoạt động soạn thảo, thẩm tra, xây dựng luật là có liêm chính. Chính sự liêm chính đó mà Quốc hội đã thảo luận và thông qua rất, rất nhiều văn bản pháp luật không tồn tại những khuyết tật nêu trên và đã là một phần thể chế tốt đẹp để thúc đẩy quan hệ xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên mặc dù còn rất ít trong soạn thảo, thẩm tra, thảo luận xây dựng luật nhưng vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý.

Cho nên (tôi khẳng định là còn rất ít) hồ sơ dự án luật có chất lượng rất thấp được trình ra Quốc hội. Quốc hội mất thời gian để thảo luận”, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn.

Để khắc phục thực trạng đã nêu ra, vị ĐBQH đề nghị: “Chính phủ (đặc biệt là cơ quan được giao soạn thảo dự án luật) có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong khâu xây dựng luật. Cơ quan thẩm tra, các ĐBQH luôn nghĩ tới từ liêm chính trong việc thẩm tra, phát biểu đối với mỗi dự án luật”.

Luật có “tuổi thọ” ngắn

Thảo luận tại tổ chiều 25/3, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn ĐBQH TP.HCM) nêu ý kiến: Có luật tuổi thọ ngắn, chỉ một thời gian phải sửa đổi, khi áp dụng thực tế thì hay bị kêu ca. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nhìn lại quy trình làm luật, việc đưa Chính phủ xây dựng luật đã làm mất yếu tố khách quan.

Cùng với đó, chất lượng dự thảo còn phụ thuộc vào nhiều bộ, ngành. Nhiều văn bản gửi hàng chục lần, dự thảo gửi tới lần 30 nhưng... y chang như lần đầu. Người xây dựng dự thảo có khuynh hướng phải làm sao để có lợi cho sự quản lý của bộ, ngành mình.