Sự kiện

3 cam kết của nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

25% tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ nông nghiệp, đã đến lúc cả thế giới cần chung tay cho một hành tinh "xanh"

Chiều ngày 21/02/2022, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã tham dự Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ nhất sáng kiến "Đổi mới nông nghiệp để ứng với với BĐKH".

Nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu đang mang đến những hậu quả nặng nề cho nhân loại, tháng 11/2021, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) và Hoa Kỳ đã khởi xướng chương trình Sứ mệnh Đổi mới Nông nghiệp vì Khí hậu (AIM for Climate - AIM4C). Tính đến nay, đã có hơn 30 quốc gia ủng hộ và tham gia tích cực, chương trình cũng đã nhận được hơn 4 tỷ USD đóng góp để thúc đẩy công tác chuyển đổi nông nghiệp thông minh, giảm phát thải trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ sự nhất trí cao với 4 nội dung sẽ được đề ra tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27) diễn ra tại Ai Cập tới đây, gồm: nông nghiệp sinh thái; các công nghệ/kỹ thuật mới; giảm phát thải khí Metan; và Hộ gia đình nông dân nhỏ ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp và trung bình.

“Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và các tác nhân trong Hệ thống lương thực thực phẩm nhằm thúc đẩy đầu tư nông nghiệp bền vững và chuyển đổi hệ thống theo hướng thông minh với biến đổi khí hậu, trong đó vai trò của nhà sản xuất, chế biến, phân phối và người tiêu dùng là trọng tâm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị

Để đồng hành cùng thế giới trong công cuộc đổi mới các hoạt động sản xuất nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thứ trưởng đưa ra ba cam kết:

Đẩy mạnh chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng "xanh", ít phát thải và bền vững; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học.

Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, không chỉ phục vụ cho sản xuất mà còn phục vụ phát triển kinh tế nông thôn; củng cố và tăng cường vai trò của các hộ gia đình và HTX nông nghiệp – cho phù hợp với điều kiện cụ thể.

Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư, phát triển và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; và nhân rộng mô hình đầu tư hợp tác công – tư. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các chuỗi giá trị nông nghiệp.

“Chúng ta rất cần “Cùng nhau hành động” để khắc phục hậu quả của COVID-19, chuyển đổi Hệ thống nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững trong bối cảnh “bình thường mới”, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững vào 2030”, Thứ trưởng kết thúc bài phát biểu.