Tiêu điểm thế giới

26 tỷ phú giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản bằng 3,8 tỷ người nghèo trên toàn cầu

Các tỷ phú thế giới đang kiếm thêm hàng tỷ đô la, trong khi một nửa dân số nghèo nhất thế giới đang dần cạn kiệt tài sản.

Những cái tên trong danh sách 26 tỷ phú giàu nhất thế giới, từ bên trái qua là Jeff Bezos của Amazon, Bill Gates của Microsoft, Warren Buffett của Berkshire Hathaway và Mark Zuckerberg của Facebook. 

Theo báo cáo của tổ chức quốc tế Oxfam công bố, có khoảng 2.208 tỷ phú trên thế giới đang nắm khối tài sản nhiều kỷ lục. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ, số lượng tỷ phú đã tăng gần gấp đôi.

Bản báo cáo thường niên dài 106 trang này được công bố trước Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF tại Davos, Thụy Sĩ, với mục đích kêu gọi sự chú ý đến sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn.

Báo cáo cho biết, 26 tỷ phú giàu nhất thế giới đang sở hữu lượng tài sản tương đương tổng tài sản của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới trong năm 2018. Hầu hết những tỷ phú này là người Mỹ dựa trên danh sách tỷ phú của Forbes.

Theo Forbes, có thể kể đến một số cái tên bao gồm Jeff Bezos của Amazon , Bill Gates của Microsoft, Warren Buffett của Berkshire Hathaway và Mark Zuckerberg của Facebook, những người đang nắm giữ tổng tài sản lên tới 357 tỷ USD, theo Forbes.

Oxfam khuyến nghị các quốc gia nên đưa ra mức thuế tài sản ở mức công bằng hơn, tăng thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệp đối với các tập đoàn lớn, giới siêu giàu và giải quyết vấn nạn trốn thuế. Tổ chức cũng ủng hộ việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, giáo dục và các dịch vụ công cộng khác và đảm bảo các quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em gái.

Oxfam cũng gợi ý đầu tư vào các dịch vụ công cộng bao gồm:  Điện, nước, chăm sóc trẻ em cho tới giải phóng thời gian của phụ nữ và hạn chế số giờ làm việc không được trả lương của họ.

Tranh luận về hệ thống thuế

Paul O'Brien, Phó Chủ tịch Oxfam, Mỹ cho biết: "Sẽ có một cuộc tranh luận công khai và ngày càng sôi nổi hơn tại Mỹ cũng như trên toàn cầu về một hệ thống thuế công bằng, hiệu quả và sẽ rất khác so với hệ thống hiện nay”.

Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez đã đề xuất đánh thuế những người giàu lên tới 70% để tài trợ cho quỹ chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, một nhóm lớn các nhà lập pháp, bao gồm thượng Nghị sĩ Bernie Sanders ở Vermont đang thúc đẩy chương trình Medicare cho tất cả mọi người để mở rộng số lượng người Mỹ có bảo hiểm y tế.

Oxfam đánh giá đây là những vấn đề mang tính toàn cầu. "Ở nhiều quốc gia, một nền giáo dục tốt hay chăm sóc sức khỏe chất lượng đã trở thành một thứ xa xỉ mà chỉ người giàu mới mua được", Oxfam cho biết. "Mỗi ngày có khoảng 10.000 người chết vì không được tiếp cận với dịch vụ y tế mà họ có khả năng chi trả ."

Tổ chức cũng cho rằng phụ nữ chính là những đối tượng chịu sự tác động nhiều nhất.

"Các bé gái sẽ buộc phải thôi học đầu tiên khi không đủ tiền trả học phí và phụ nữ sẽ phải dành thêm nhiều giờ cho các công việc không được trả lương như chăm sóc cho người thân bị ốm khi dịch vụ y tế không làm được điều này", Oxfam ước tính một công ty sẽ thu về nguồn tiền khổng lồ mỗi năm nếu công ty này có nhân công là phụ nữ và đang làm các công việc chăm sóc không được trả lương.

Vấn đề này được thể hiện sâu sắc ở những nơi như Ấn Độ, quốc gia với nền kinh tế lớn  và đang phát triển nhanh nhất thế giới. Đây là một trong những nước có tỷ lệ tham gia lao động nữ thấp nhất thế giới. Dữ liệu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, chỉ 27% phụ nữ từ 15 tuổi trở lên ở Ấn Độ được thống kê là đang làm việc hoặc có nhu cầu tìm kiếm việc làm.

Theo một báo cáo năm 2018 của Viện quốc tế McKinsey cho biết, Ấn Độ có thể làm tăng thêm 770 tỷ USD cho nền kinh tế của mình bằng cách nâng cao bình đẳng giới. Trong khi đó, toàn châu Á có thể tăng tổng sản phẩm quốc nội lên tới 4,5 nghìn tỷ USD nếu có thêm phụ nữ tham gia lực lượng lao động.

Kiều Trang