Dân sinh

2 tuần xa nhà chống dịch, nữ y tá bật khóc khi thấy 2 con chờ lấy mẫu

Nữ nhân viên y tế nhận lệnh đến khu vực phong tỏa thực hiện nhiệm vụ thì bất ngờ thấy 2 con trai của mình trong khu vực lấy mẫu xét nghiệm.

Gác chuyện gia đình, xung phong lên tuyến đầu chống dịch

Đêm 13/6, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An xuất hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Đến thời điểm này, thành phố Vinh có 32 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong tổng số 51 ca trên địa bàn toàn tỉnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch, chị Nguyễn Thị Vân Anh (38 tuổi), nhân viên y tế phường Vinh Tân, thành phố Vinh cũng đã xung phong vào tuyến đầu chống dịch.

Điều đáng nói, gia đình chị có hoàn cảnh khá đặc biệt khi chồng chị là anh Trần Quốc An, công tác tại đồn Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, trực chốt phòng chống dịch Covid-19 nơi biên giới Việt - Lào suốt nhiều tháng qua cũng chưa về nhà. Trong khi đó, vợ chồng đã có 2 người con, cháu lớn học lớp 8, cháu nhỏ học lớp 2.

Sau khi xuất hiện ca dịch cộng đồng đầu tiên, trạm y tế phường Vinh Tân lập tức nâng cao tình trạng khẩn cấp.

Chị nói: “Trước đây, đặc thù công việc y tế cũng khá bận nhưng do địa bàn thành phố Vinh chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng nên tôi vẫn cố gắng sáng đi, tối về, tận dụng thời gian rảnh lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc các con. Mới đây, liên tục xuất hiện F0, địa bàn phường tôi sinh sống cũng ghi nhận các F nên khối lượng công việc nhiều hơn”.

Một phần do nhiệm vụ của ngành y, một phần cũng lo lắng bản thân mình sẽ khiến cho các con gặp nguy hiểm nếu như về nhà thường xuyên, vì vậy chị đã quyết định để 2 con tự ở nhà. Những ngày đầu bố mẹ đi chống dịch, anh lớn nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc em trai. Thời gian sau, không yên tâm, chị nhờ bố mẹ chồng đón 2 con về nhà chăm sóc.

Mỗi ngày, chị bắt đầu công việc từ 6h sáng đến tận 12h đêm để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Những ngày thời tiết miền Trung nắng nóng trên 40 độ C, các nhân viên y tế của trạm đều kiệt sức. “Mọi người thay phiên nhau uống nước, nghỉ ngơi những lúc vắng người dân đến lấy mẫu xét nghiệm. Thế nhưng do mặc đồ bảo hộ nhiều giữa thời tiết nắng nên sức lực như bị vắt kiệt. Đến buổi ăn chẳng muốn nuốt cơm, nhưng vì sức khỏe cũng cố gắng ăn vài miếng”, chị kể.

Nhân viên y tế làm việc cả đêm để lấy mẫu xét nghiệm.

Tranh thủ thời gian được nghỉ lúc vắng người, việc làm đầu tiên của chị là gọi điện về hỏi thăm tình hình của các con. Thế nhưng các lần gọi điện bắt đầu thưa dần do công việc liên tục, đến khi chị được nghỉ thì cũng quá nửa đêm các con cũng đã đi ngủ. Ngoài ra, chị sợ mỗi lần gọi thấy người con út nói nhớ mẹ thì bản thân không kiềm được nước mắt. Vì vậy, chị nói vội dặn dò anh lớn chăm sóc em và hỏi han qua ông bà rồi lại tắt máy.

“Nhớ con lắm, nhiều khi nói được mấy câu đã chực trào nước mắt. Tôi sợ các con nhìn thấy khóc theo không thể nào chịu nổi. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng như vậy, nên chúng tôi không dám gọi về. Tôi chỉ mong dịch bệnh sớm chấm dứt để gia đình được đoàn tụ”, nữ nhân viên y tế cho hay.

Có những ngày nhân viên y tế phải làm việc hàng giờ đồng hồ.

Mẹ con chỉ dám đứng nhìn nhau từ xa

Tối 23/6, vừa kết thúc công việc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân, nữ nhân viên y tế nhận lệnh đến khu vực bị phong toả - nơi gia đình chị sinh sống - do liên quan ca nhiễm Covid-19 vừa được phát hiện.

Bất ngờ, chị nhận ra 2 con trai và bố mẹ chồng trong nhóm người chờ lấy mẫu. Đây là lần đầu tiên chị được gặp lại người thân sau gần 2 tuần xa cách trong đợt dịch mới. Trước đó, nhiều lần làm nhiệm vụ ngang qua nhà, chị không dám vào, chỉ đứng nhìn từ xa. Lần này, khoảng cách giữa mẹ con cũng rất gần, nhưng chị vẫn không dám chạy đến ôm con.

Chị Vân Anh gặp con nhưng vẫn phải giữ khoảng cách.

Trong trang phục bảo hộ, chị tuân thủ nguyên tắc giữ khoảng cách. Đứng từ xa, chị dặn các con ở nhà ngoan ngoãn, nghe lời ông bà, để bố mẹ yên tâm công tác. Người con trai lớn học lớp 8 hiểu chuyện, còn bé sau mới lên lớp 2 cứ đòi ôm mẹ khiến chị bật khóc.

“Tôi không biết nói sao nữa. Lúc người con út nói “Mẹ ơi!” là tôi không thể kiềm được nước mắt nữa. Ngay cả việc được ôm con vào lòng, tôi cũng không dám. Thương và nhớ con vô cùng”, chị kể.

Nhìn hình ảnh mẹ con đoàn tụ trong khu vực lấy mẫu xét nghiệm đã khiến cho mọi người xung quanh cũng phải ứa nước mắt vì xúc động. Không ngờ rằng giữa thời bình mà vẫn phải chứng kiển cảnh tượng đau lòng như vậy. Thương cho cháu bé nhỏ tuổi đã phải xa bố mẹ, cũng xót xa cho các nhân viên y tế đang phải gồng lên chống dịch, họ đã hi sinh quá nhiều trong cuộc chiến này.

Nữ nhân viên y tế Hưng Nguyên cắt tóc để chuẩn bị sẵn sàng vào cuộc chiến.

Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cho biết: “Cuộc chiến chống dịch vẫn còn đang rất dài, các y bác sĩ đang phải rời xa gia đình thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, rất mong người dân cùng hiểu và cố gắng chấp hành các biện pháp chống dịch, để những gia đình của các y bác sĩ sớm được sum vầy”.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh, tỉnh Nghệ An đã quyết định thành lập bệnh viện dã chiến số 1 tại Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên để điều trị cho bệnh nhân. Ngoài 70 cán bộ y tế của huyện Hưng Nguyên, ngành Y tế Nghệ An còn điều động thêm nhiều chuyên gia y tế đầu ngành tham gia bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân. bệnh viện dã chiến có quy mô điều trị cho 100 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ và trung bình.

“Tham gia vào công tác tại bệnh viện dã chiến đồng nghĩa với việc chưa biết ngày về. Các cán bộ y tế gần như phải cùng ăn, cùng ở, cùng điều trị với bệnh nhân. Khi dịch lắng xuống, tất cả bệnh nhân được chữa khỏi, xuất viện, họ còn phải thực hiện cách ly tập trung thêm 21 ngày mới được về với gia đình. Dự kiến vào ngày 29/6 này, bệnh viện dã chiến sẽ chính thức hoàn thiện, đi vào hoạt động”, ông Chỉnh nói.

Tính đến sáng 25/6, tỉnh Nghệ An đã phát hiện 51 ca dương tính với Covid-19, trong đó: TP Vinh có 32 ca, Diễn Châu có 9 ca, Tân Kỳ có 1 ca, Quỳ Hợp có 1 ca, Nam Đàn có 2 ca, Đô Lương có 1 ca, TX Hoàng Mai có 2 ca, Nghĩa Đàn có 01 ca, Nghi Lộc có 1 và Quỳnh Lưu có 1 ca.