Giáo dục

2 năm học trực tuyến có được coi là chuyển đổi số giáo dục?

Thời gian qua, ngành giáo dục nhanh chóng chuyển đổi phương thức dạy học nhằm ứng phó với dịch bệnh, ngoài những ưu điểm thì cũng có những hạn chế mang lại.

NKhi đại dịch Covid-19 xuất hiện mới thực sự tạo ra cú hích cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, trong đó thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực giáo dục.

Nhưng theo bài nghiên cứu của Ths.Nguyễn Thu Hương, Trung tâm phân tích và dự báo, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, quá trình truyền tải kiến thức từ trực tiếp chuyển sang học từ xa thuộc nhóm học trực tuyến vì hoàn cảnh phải ứng phó với khủng hoảng.

Việc học trực tuyến không có quá trình chuẩn bị trước đó, chính vì vậy chất lượng của hình thức này chưa tương xứng với chất lượng của hình thức học trực tuyến được chuẩn bị từ trước. Thực tế, đây chỉ là phương pháp dạy học từ xa trong điều kiện khẩn cấp.

Tương lai chuyển đổi số giáo dục là kết hợp học trực tiếp và trực tuyến

Bị động trong quá trình chuyển đổi 

Trao đổi với Người Đưa tin về vấn đề trên Ths.Nguyễn Thu Hương cho biết: “Trong cách chuyển đổi hiện nay, nhà trường, giáo viên và các đối tượng liên quan trong quá trình học trực tuyến còn bị động, không có sự chuẩn bị, đầu tư.

Nhìn lại, những năm trở về trước chúng ta chưa chú trọng đầu tư nhiều cho quá trình học trực tuyến của học sinh, hầu hết vẫn chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường”.

Vì vậy, khi đại dịch xuất hiện, Việt Nam phải nhanh chóng chuyển sang học trực tuyến lại gặp phải các vấn đề về đường truyền, không có hệ thống dữ liệu, phụ thuộc vào các phần mềm nước ngoài,…. Quá trình học như vậy không đảm bảo về chất lượng giảng dạy.

“Ngoài ra, quá trình này còn tạo sự chênh lệch giữa các vùng miền, giữa các khối học, môn học và giữa trường công lập và tư thục các em học sinh vùng khó khăn khó tiếp cận được học tập”, bà Hương bày tỏ.

Quá trình học trực tuyến vừa qua gây không ít áp lực cho thầy cô

Việc dạy học trực tuyến cũng tạo ra một thế hệ thầy cô kỹ thuật số, khi ngoài trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm thì giáo viên cũng phải có năng lực về công nghệ thông tin.

Nhưng thực tế, các chương trình đào tạo giáo viên hiện nay chỉ dừng lại ở các kỹ năng văn phòng, bà Hương đánh giá: “Trình độ tin học của đội ngũ giáo viên, nhà trường vẫn ở những mức cơ bản, với những phần mềm phổ thông.

Chưa có những trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin. Để làm được điều này cần phải có quá trình đào tạo nhất định”.

Chuyên gia bày tỏ rằng, thời gian học trực tuyến vừa qua, phải ghi nhận sự cố gắng của các thầy cô về việc vừa phải nhanh chóng thích ứng giảng dạy với phương pháp mới, soạn lại bài giảng, quản lý lớp học.

Về phía nhà trường, mặc dù đã nhanh chóng hướng dẫn, triển khai học tập cho các thầy cô. Nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với các thầy cô sắp tới tuổi về hưu.

Từ những hạn chế trên đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học trực tuyến của học sinh. Vì vậy, khó có thể đánh giá đúng về hiệu quả của phương pháp học tập này khi vẫn còn diễn ra bị động.

Học ở nhà khiến học sinh ít giao tiếp xã hội

Học trực tuyến không có nghĩa chỉ ngồi ở nhà

Việc học trực tuyến trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục khác học trực tuyến trong đại dịch. Ngoài giờ học trước máy tính các em vẫn có những hoạt động thể chất, giao tiếp xã hội, tương tác với bạn bè.

Tuy nhiên, khi phải giãn cách xã hội khiến các em chỉ chơi và học với các thiết bị điện tử. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.

Trao đổi với Người Đưa tin, PGS.TS.Trần Thu Hương, khoa Tâm lý học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết: “Khi phải ở nhà học tập kéo dài, các em sẽ rơi vào trạng thái sử dụng quá nhiều và phụ thuộc các thiết bị công nghệ”.

Từ đó, ngay cả khi trở lại trạng thái bình thường mới, các em vẫn dần rơi vào nghiện các thiết bị này.

“Quá trình này khiến cho học sinh mất kiểm soát về mặt cảm xúc. Các em trở nên gây hấn với người lớn, đặc biệt khi gia đình không cho phép sử dụng, sẽ có hành động chống đối lại bố mẹ. Đây là biểu hiện của rối loạn hành vi”, PGS.TS Trần Thu Hương bày tỏ.

Ngay cả khi không có đại dịch, trong quá trình phát triển của trẻ cũng dễ xảy ra mâu thuẫn với cha mẹ mình, học sinh không ứng phó được các vấn đề trong gia đình.

Từ đây có thể thấy, đại dịch vừa qua là cơ hội để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại những chuyển đổi trong ngành để có được những kinh nghiệm cho tương lai.

Theo Ông Robert Jenkins, Trưởng bộ phận giáo dục của UNICEF cho biết “Chúng ta đang chứng kiến lỗ hổng giáo dục gần như không thể khắc phục được đối với việc học tập của trẻ em”.

“Trong nỗ lực chấm dứt tình trạng gián đoạn học tập, việc chỉ mở cửa lại trường học là không đủ. Học sinh cần được hỗ trợ tích cực để khôi phục những nội dung bị hổng kiến thức.

Các trường học cũng cần vượt ra khỏi phạm vi học tập để giúp phục hồi sức khỏe tâm thần và thể chất, sự phát triển về mặt xã hội và dinh dưỡng cho trẻ em."