Môi trường

2,5 tấn dầu bị đổ trộm vào đầu nguồn nước sông Đà: Xử lý nước sông Tô Lịch dễ hơn dầu loang vào nước

Chuyên gia nhận định, nước bị nhiễm dầu thì rất khó xử lý, có khi còn khó hơn xử lý nước sông Tô Lịch.

Những ngày qua, hàng nghìn hộ dân tại Hà Nội sử dụng nước sinh hoạt từ Nhà máy nước sạch sông Đà phản ánh về nước có mùi lạ, mùi khét rất khó chịu.

Sáng 14/10, Tổng cục Môi trường - bộ Tài nguyên và Môi trường đã thông tin trên tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục Môi trường (bộ Tài Nguyên Môi trường) cho biết: Theo báo cáo của sở Tài Nguyên và Môi trường Hòa Bình, người dân phản ánh phát hiện xe tải 2,5 tấn đổ trộm dầu ra khe núi thuộc xã Phúc Tiến tối 8/10. Sau đó, địa bàn có mưa to dẫn đến dầu từ khe núi chảy xuống suối Trâm xã Phú Minh và lan đến kênh dẫn nước vào nhà máy nước sạch sông Đà".

"Doanh nghiệp cung cấp nước sạch biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm, vì theo báo cáo từ Sở này, ngày 9-10/10, Nhà máy nước sông Đà phát hiện ra dầu loang trên kênh dẫn nước, đã huy động người vớt dầu", ông Thức khẳng định.

Việc ô nhiễm nguồn nước bắt nguồn từ 2,5 tấn dầu đổ trộm.

Trước vụ việc nguồn nước ô nhiễm do dầu thải làm đảo lộn cuộc sống, cũng như ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng đến người dân, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội nhằm đánh giá về ảnh hưởng của dầu loang vào nước sạch của hàng nghìn hộ dân và có thể xử lý được 2,5 tấn dầu loang sạch không?

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, việc này là phi thực tế và lọc nước bị nhiễm dầu khó hơn nhiều so với lọc loại vật chất khác. Ông nói: "Việc dầu lẫn vào trong nguồn nước mà không có thiết bị lọc dầu, xử lý dầu thì nó sẽ tồn tại mãi. Dầu một khi phân tán vào nước sẽ tạo ra mùi cực kỳ khó chịu, nhưng rất khó có thể xử lý".

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khẳng định dầu hỏa được xem là chất độc, dầu là một chất lạ đối với cơ thể người, nên khi sử dụng chất lạ vào cơ thể sẽ không an toàn, mất vệ sinh. Ông cũng đưa ra khuyến cáo người dân nên dừng sử dụng nước có mùi, đợi đến khi cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ rồi mới có thể sử dụng.

Về việc xử lý dầu lan trong nước tại đầu nguồn sông Đà, PGS.TS. Thịnh cho rằng khó hơn rất nhiều: "Những tạp chất vô cơ, cát sỏi, thậm chí như ở nước sông Tô Lịch dù đen kịt nhưng lại dễ xử lý”.

“Dầu là hoạt chất khó xử lý, xử lý bằng phương pháp hóa học cũng khó, phải dùng biện pháp hấp thụ mới tách được. Nhưng cả khối lượng hàng nghìn mét khối nước thì không thể thực hiện biện pháp này được bởi đơn thuần là phương pháp này rất đắt", PGS. TS. Thịnh cho hay.

Như đã đưa tin trước đó, vào ngày 12/10 phản ánh của nhiều người dân sinh sống tại nhiều khu chung cư sử dụng "nước sạch" do Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp tiếp tục kêu cứu vì tình trạng nước bốc mùi. Nhiều ban quản trị chung cư đã khuyến cáo cư dân không nên sử dụng nước bốc mùi để bảo đảm an toàn.

Một số khu vực đô thị hiện đang sử dụng nước mua từ Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà: Park City, Dương Nội, An Thượng, An Khánh, Đông Lao, La Phù, Nam Cường...

Vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.