Tài chính - Ngân hàng

16 ngân hàng giảm hơn 18.000 tỷ đồng lãi suất cho vay mùa dịch

Tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 30/11/2021 của 16 ngân hàng là 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết, trong đó cao nhất là Agribank.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kết quả giảm lãi suất, giảm chi phí dịch vụ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Theo đó, lũy kế từ ngày 15/7 đến 30/11/2021, tổng số tiền giảm lãi của 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) là khoảng 18.095 tỷ đồng.

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) với tổng tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 5.176 tỷ đồng; với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,41 triệu tỷ đồng cho gần 3,75 triệu khách hàng, tiếp tục đứng đầu về tiền giảm lãi suất và số khách hàng. 

Tiếp đó là Vietcombank với tổng số tiền lãi đã giảm là 3.822 tỷ đồng (đạt 95,56% so với cam kết) với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,24 triệu tỷ đồng cho 236.864 khách hàng.

BIDV đạt 3.382 tỷ đồng (đạt 93,94% so với cam kết) với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,31 triệu tỷ đồng cho 437.981 khách hàng.

VietinBank giảm được 2.019 tỷ đồng (đạt 112,17% so với cam kết) với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,99 triệu tỷ đồng cho 834.397 khách hàng.

Mức giảm lãi của các ngân hàng thương mại còn lại như sau: MB giảm 612 tỷ đồng; ACB giảm 592 tỷ đồng; VPBank giảm 478 tỷ đồng; Techcombank giảm 440 tỷ đồng; SHB giảm 357 tỷ đồng; Sacombank giảm 285 tỷ đồng; TPBank giảm 221 tỷ đồng; HDBank giảm 199 tỷ đồng;SeABank giảm 193 tỷ đồng; MSB giảm 155 tỷ đồng; LienVietPostBank giảm 128,75 tỷ đồng; VIB giảm 35 tỷ đồng.

Trong đó, các ngân hàng VietinBank, SHB, TPBank, MSB, SeABank đã vượt cam kết. Thậm chí MSB, SeABank còn vượt gấp hơn 3 lần so với cam kết.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, xét trên toàn hệ thống ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,81%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm). Tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng (TCTD) đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng.

Bên cạnh việc giảm lãi cho vay, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607.000 tỷ đồng; hiện có hơn 775.000 khách hàng đang được tiếp cận chính sách, với dư nợ gần 300.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.

Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% phí giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; giảm 75-90% phí chuyển mạch qua ATM/POS, chuyển tiền nhanh 24/7; áp dụng chính sách miễn, giảm phí tài khoản, thẻ cho khách hàng…

16 ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.