Tài chính - Ngân hàng

16 ngân hàng giảm 12.236 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, ai tích cực nhất?

Tổng số tiền lãi 16 ngân hàng đã giảm cho khách hàng là 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết; trong đó Agribank giảm nhiều nhất với 4.885 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 đến 30/9 của 16 ngân hàng là khoảng 12.236 tỷ đồng, đạt 59,36% so với cam kết.

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) giảm 4.885 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,27 triệu tỷ đồng cho trên 3,18 triệu khách hàng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 1.975 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,07 triệu tỷ đồng cho 239.384 khách hàng.

Tổng số tiền lãi mà Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm cho khách hàng là 1.901 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,08 triệu tỷ đồng cho 365.429 khách hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã giảm 1.417 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,22 triệu tỷ đồng cho 533.392 khách hàng.

Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã thực hiện giảm lãi cho khách hàng, gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã giảm 602 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 109.124 tỷ đồng cho 104.036 khách hàng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đã giảm 244 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 129.898 tỷ đồng cho 32.098 khách hàng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương (Techcombank) đã giảm 243 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 62.455 tỷ đồng cho 1.417 khách hàng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) giảm 224 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 144.509 tỷ đồng cho 232.357 khách hàng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) giảm 203 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 150.566 tỷ đồng cho 93.975 khách hàng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) giảm 123 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 17.667 tỷ đồng cho 14.042 khách hàng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank) giảm 121 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là 79.782 tỷ đồng cho 55.077 khách hàng.

Những ngân hàng có mức giảm lãi suất dưới 100 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) giảm 97 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) đã giảm 93,5 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) giảm 62 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) giảm 33 tỷ đồng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) giảm 12 tỷ đồng.

16 ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.