Dân sinh

150 phần quà đến tay các hộ mưu sinh nhặt phế liệu ở bãi rác Khánh Sơn

Chiều 7/8, lãnh đạo sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng đã trao 150 suất quà đến các hộ dân mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu tại bãi rác Khánh Sơn.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng chia sẻ, những diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng nề đến nhiều mặt kinh tế, xã hội của TP.Đà Nẵng.

Quyết định phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt trên phạm vi toàn Thành phố này, theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ càng làm cho tình hình khó khăn hơn.

Các quy định về giãn cách đã khiến nhiều ngành nghề, hộ kinh doanh sản xuất chịu ảnh hưởng. Trong đó, có các hộ dân mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu ở bãi rác Khánh Sơn.

“Chấp hành nghiêm quy định này, bà con không còn đến bãi rác để nhặt phế liệu, cũng đồng nghĩa là không còn phương tiện sinh kế. Những món quà nhỏ hôm nay, mong rằng, chia sẻ được phần nào những khó khăn trong sinh hoạt của bà con trong những ngày giãn cách”, ông Hùng nói.

Cũng tại buổi phát quà, ông Hùng cam kết cùng các hộ dân mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu ở bãi rác Khánh Sơn: “Thành phố sẽ giải quyết chu đáo, tạo điều kiện chuyển đổi ngành nghề, ổn định sinh kế cho người dân, trước khi quyết định đóng cửa vĩnh viễn các hộc chôn lấp rác ở bãi rác Khánh Sơn.

150 phần quà đến tay các hộ mưu sinh nhặt phế liệu ở bãi rác Khánh Sơn.

Mong bà con hết sức ủng hộ chủ trương này của thành phố, vì quyết định đóng cửa cũng một phần là để đảm bảo sức khỏe lâu dài cho bà con. Còn việc đóng cửa hộc chôn rác, dẫn đến bà con không còn phương tiện sinh kế, ngành chức năng sẽ tính toán rất cẩn thận. Khi ổn định sinh kế cho người dân, lúc đó mới xin chủ trương đóng cửa vĩnh viễn”.

Được biết, mỗi suất quà giá trị hơn 500 nghìn đồng gồm gạo, sữa, mì ăn liền... với sự đồng hành tài trợ của công ty THHH 1 thành viên SEEN Đà Nẵng.

Khánh Sơn là bãi rác duy nhất của TP.Đà Nẵng, bình quân mỗi ngày tiếp nhận 1.100 tấn rác sinh hoạt, chưa tính rác thải y tế và công nghiệp. Sau gần 30 năm tồn tại, đến nay bãi rác đã tiếp nhận hơn 3,2 triệu tấn rác. Đây cũng là nơi mưu sinh của nhiều người dân hành nghề nhặt phế liệu.