Xã hội

13 năm cô dâu Việt ăn tết quê hương trên xứ người

Kết hôn với người nước ngoài là lựa chọn của nhiều cô gái Việt hiện nay, nhưng ước mơ làm dâu xứ người chưa bao giờ là dễ dàng.

Chọn xa quê để thoát cảnh nghèo khó

Quyết định xa xứ lập nghiệp, 13 năm sang Malaysia sinh sống và làm việc chị Nguyễn Thị Kim Thuỳ (quê Đắk Lắk, hiện đang sinh sống ở đảo Penang, Malaysia), mới được trở về ăn tết quê hương đúng một lần.

“Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cho nên tôi đã quyết định đi xuất khẩu lao động với hy vọng mình có chút vốn về mở cửa tiệm kinh doanh”, chị Kim Thuỳ chia sẻ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Thuỳ  hiện đang sinh sống ở đảo Penang, Malaysia.

Nhưng sau khi sang Malaysia, tháng lương cơ bản chỉ có 3 triệu tiền Việt, vừa phải trừ tiền vay vốn, vừa gửi về giúp cho gia đình nên tiền để còn lại không nhiều, cứ hết 3 năm hợp đồng chị lại gia hạn thêm 1 năm. “Không nghĩ cứ thế đến tận 7 năm sau đó rồi tôi quyết định lấy chồng và ở lại đây”, chị Nguyễn Thị Kim Thuỳ giãi bày với Người Đưa Tin.

Rào cản ngôn ngữ là những trở ngại của chị Thuỳ khi mới sang Malaysia làm việc, dù là đất nước đa ngôn ngữ nhưng bản thân chị hoàn toàn không biết cả tiếng Anh, tiếng Mã, hay tiếng Hoa.

Chị Thuỳ kể: “Mới đầu không biết tiếng, đi làm không hiểu người ta nói gì nên tôi cũng bị ăn hiếp, nhưng cũng cố gắng vượt qua được, chỉ có buồn năm đầu tiên sang vào dịp gần cuối năm nên rất nhớ nhà”.

Những năm sau, cuộc sống nơi đất khách xa quê hương cũng dần quen, nhưng khi lập gia đình lại là thử thách mới đối với cô dâu Việt. 

“Lấy chồng, có gia đình nhỏ, ngày tết cũng được quây quần, ấm cúng hơn. Nhưng ở đâu cũng vậy, chuyện mẹ chồng nàng dâu là không tránh khỏi, đặc biệt hơn khi lại có khác biệt về văn hoá.

Do chưa hiểu hết về nhau, nhà chồng tôi lúc đó vẫn còn định kiến về con dâu Việt, mình còn làm công nhân, công việc không ổn định, bị cho là gánh nặng của chồng”.

Chính suy nghĩ như vậy, cùng với áp lực con cái, kinh tế, có giai đoạn chị Thuỳ đã rơi vào trạng thái tiêu cực, ít nói, ít chia sẻ hơn với gia đình.

Mạng xã hội mở ra nhiều cơ hội cho cô dâu Việt

May mắn, cuộc sống của chị Thuỳ thay đổi khi quyết định chia sẻ công việc nội trợ của mình lên youtube.

“Tôi xây dựng kênh từ năm 2019, lúc đó cũng không có nhiều người xem, làm được mấy tháng thì nghỉ sinh bé thứ 2. Trong thời gian bỏ ngang cũng mày mò đi bán hàng online, mỹ phẩm nhưng thu nhập không ổn định, không giải quyết được vấn đề kinh tế nên bắt đầu quay lại mở trên facebook để tiếp cận nhiều người hơn”, chị Thuỳ chia sẻ.

Những video đầu tiên của chị là làm nội dung bằng tiếng Hoa, “nhưng không nghĩ khi làm tiếng Hoa người Việt lại xem nhiều và yêu cầu mình làm nên tôi đã quyết định chuyển sang chia sẻ tiếng Việt về cuộc sống của mình. Cũng nhờ được mọi người yêu thương, ủng hộ nên có thêm nguồn thu nhập cải thiện được kinh tế, giảm áp lực cho mình”, chị Kim Thuỳ bày tỏ.

Việc quyết định làm việc nhờ các trang mạng xã hội, cũng là do chị Thuỳ không có nhiều sự lựa chọn, đây cũng là việc phù hợp với người nội trợ ở nhà chăm con, chủ động thời gian nên đã quyết định thử.

Đến hiện tại chị vẫn một mình tự quay, dàn dựng, lồng tiếng, với chị Thuỳ đây vừa là kênh kiếm tiền vừa là nơi để chia sẻ trò chuyện, lan tỏa tinh thần tích cực cho những phụ nữ nội trợ giống chị.

Chị Nguyễn Thị Kim Thuỳ phải làm quen với nếp sống mới tại gia đình nhà chồng.

Học thích nghi với đất nước đa văn hoá

Nội dung mà chị Thuỳ luôn hướng tới là chia sẻ cho các người xem của mình là sự phong phú, khác lạ của phong tục tập quán ở đất nước chị đang sinh sống. “Ở Malaysia rất đa dạng văn hoá, một năm có thể đến 3-4 cái tết và chỉ có cộng đồng người Hoa ăn tết vào dịp Tết Nguyên đán như ở Việt Nam”, chị Thuỳ cho biết.

Vào dịp này, các công nhân, người lao động sẽ được nghỉ khoảng 2 ngày, nhưng hầu hết họ sẽ xin nghỉ thêm ngày phép để ăn tết được đủ một tuần. 

“Mặc dù là giống nhau về thời điểm, nhưng người Hoa lại đón tết khác với Việt Nam. Ở đây, đầu năm mới người ta hay tặng nhau quýt với ý nghĩa là may mắn, sung túc, giàu có, thịnh vượng. Trong nhà cũng chưng quýt khác với nước mình là chưng dưa hấu, mâm ngũ quả”, chị Thuỳ chia sẻ về sự khác biệt giữa tết Việt và tết Malaysia.

Món ăn đặc trưng truyền thống sẽ là bánh tổ, những món bánh chiên rán như chà bông cuộn, rong biển chiên giòn, ngaku chip, thịt nướng,… Chị Thuỳ cũng cho biết: “Người Hoa rất chú trọng bữa cơm đoàn viên vào đêm 30 tết, khi còn ở Việt Nam vì nhiều việc nên tôi chưa bao giờ được cảm nhận bữa cơm đoàn viên là như thế nào. Cho nên khi lấy chồng, được ăn bữa cơm đoàn tụ rất ấm cúng, cảm nhận rõ hơn hương vị ngày tết”.

Bữa cơm ở Malaysia do chị Thuỳ chuẩn bị.

Theo tục lệ ở nhà chồng chị mùng 1 sẽ ăn chay, từ mùng sẽ 2 bắt đầu ăn mặn và đi thăm nhà bà con, “nhưng không giống ở Việt Nam chúc tết nhau, mà họ chỉ đơn giản nói chúc mừng năm mới hay những câu phổ biến của người Hoa” như "Gong xi fa cai" (cung hỉ phát tài) , chị Thuỳ cho hay. Cùng với đó, những người Hoa chưa lập gia đình sẽ đều được tiền lì xì, không cần biết bao nhiêu tuổi điều này cũng khác ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để thích nghi được với những văn hoá, tập quán mới cũng cần một thời gian thích nghi.

“Những phong tục cần kiêng cữ trong ngày tết, tôi sẽ hỏi chồng và được chỉ trước. Gia đình chồng tôi rất truyền thống như ngày tết không được gội đầu, không giặt đồ, không quét nhà nên mình phải chú ý.

Là cô dâu theo công giáo nhưng khá may mắn gia đình không ép buộc nên vợ chồng tôi vẫn đạo ai nấy giữ, vào những dịp lễ trọng tôi vẫn đi nhà thờ và vẫn tìm hiểu thêm lễ nghĩ của bên chồng”, chị Thuỳ chia sẻ.

Sinh sống xứ người chưa bao giờ là dễ dàng

Mặc dù đã sống và làm việc 13 năm, nhưng trên thực tế chị Thuỳ nói riêng và cô dâu Việt tại Malaysia cũng còn gặp khá nhiều khó khăn. “Có rất ít những cộng đồng ở Malaysia để bảo vệ, hỗ trợ cho cô dâu Việt Nam, điều này cũng có nhiều bất lợi. Những chị em gặp khó khăn thường sẽ kêu gọi người Việt giúp đỡ”, chị Thuỳ giãi bày.

Chị Thuỳ cũng cho biết cần chờ đủ thời gian, nhiều điều kiện kèm theo thì cô dâu Việt mới được cấp thẻ IC đỏ (thẻ cư trú), nếu không có mọi thứ sẽ phải lệ thuộc vào chồng, vì sẽ không thể tự đứng ra kinh doanh, mua nhà trả góp

“Thường làm gì cũng cần phải có chồng hỗ trợ cùng, tuy nhiên phúc lợi xã hội đối với con cái lại rất tốt. Các bé sẽ được học trường công lập có học phí thấp, sách vở không phải mua mà sẽ mượn của thư viện, y tế sẽ được hỗ trợ đến khi con được 6 tuổi”, chị Thuỳ bày tỏ.

Cũng chia sẻ kinh nghiệm về lấy chồng là người nước ngoài, chị Nguyễn Thị Kim Thuỳ cho rằng khi đã quyết định sống và lấy chồng nước ngoài thì bản thân mình phải chuẩn bị cho 1 tinh thần tự lập. 

“Nên kiếm một công việc, chủ động kinh tế, giúp cho mình giải tỏa tinh thần từ đó mới có thể chăm lo gia đình cuộc sống 2 bên. Còn nếu như mình áp lực kinh tế, quay quẩn trong nhà sẽ không có cơ hội giao tiếp và học hỏi. Các bạn cần có tinh thần tự lập, chủ động, yêu thương bản thân và đừng bao giờ sống để làm hài lòng người khác”, chị Thuỳ chia sẻ.