Kinh tế

11 tháng năm 2023, Hà Nội đón 4,1 triệu lượt khách quốc tế

Theo Sở Du lịch Hà Nội, 11 tháng qua, khách quốc tế đến Thủ đô ước đạt 4,1 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (vượt chỉ tiêu ước tính cả năm 2023).

Kinh tế & Đô thị dẫn thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng 11/2023, du lịch Thủ đô đón 1,8 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 453,9 nghìn lượt, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2022, khách du lịch nội địa đạt 1,35 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 7,37 nghìn tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 11 tháng qua, ngành du lịch Thủ đô đã đón 22,6 triệu lượt du khách, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 4,1 triệu lượt, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022 (vượt chỉ tiêu ước tính cả năm 2023 là đón 4 triệu lượt khách quốc tế). Khách du lịch nội địa đạt 18,5 triệu lượt, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt 84,25 nghìn tỷ đồng, tăng 58,4% với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng qua, Hà Nội đã đón 4,1 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới

Về hoạt động lưu trú, tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.758 cơ sở lưu trú du lịch với 71.016 phòng; trong đó, có 605 khách sạn, căn hộ đã được xếp hạng từ 1- 5 sao với 26.411 phòng, chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng. Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn tháng 11/2023 ước đạt 53,2%, tăng 3,1% so với tháng 10/2023. Dự kiến, trong 11 tháng qua, công suất trung bình khối khách sạn đạt 59,3%, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này cho thấy, số lượng khách lưu trú tại Hà Nội đã tăng trưởng mạnh mẽ.

Về dịch vụ du lịch đạt chuẩn, theo BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam, trên địa bàn Hà Nội hiện có 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 37 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo du khách và người dân đến tham quan, mua sắm.

Về giải pháp thu hút khách du lịch từ nay đến cuối năm, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành du lịch Thủ đô sẽ triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hoà - Mỹ Đức. Nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội tới du khách trong nước, quốc tế, đơn vị sẽ đẩy mạnh tuyên truyền du lịch Thủ đô trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế và nền tảng mạng xã hội.

Đồng thời thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Ba Vì. Tổ chức Chương trình kết nối sản phẩm du lịch Golf giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2023. Tích cực triển khai kế hoạch chuyển đổi số, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; số hóa hệ thống thông tin về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch Hà Nội. Chú trọng số hóa bằng giao diện ảnh 360o và các công nghệ mới tại các điểm đến làng nghề, di tích, di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố.

“Bên cạnh hoạt động chuyển đổi số, Sở Du lịch phối hợp với các sở ngành xây dựng đề án phát triển các sản phẩm du lịch mới, trọng tâm như sản phẩm du lịch đường sông dọc theo tuyến Chương Dương Độ - Cảng Bát Tràng, mở rộng tuyến xe bus 02 tầng đến các điểm du lịch khu vực ngoại thành“, bà Giang nhấn mạnh.

Minh Hoa (t/h)