Cuộc sống số

1001 chiêu giả danh nhà mạng để lừa đảo

Gọi điện cho khách hàng mời chào mua sim số đẹp hoặc các sản phẩm, dịch vụ bất động sản, bảo hiểm, nhắc nợ cước viễn thông, gọi cuộc thoại rồi hướng dẫn thao tác… là những thủ đoạn quen thuộc của tội phạm viễn thông nhằm trục lợi.

“Thập diện mai phục” chiêu lừa đảo khách hàng

Thời gian qua, nhiều khách hàng của mạng di động VinaPhone nhận được cuộc gọi với nội dung quảng cáo, mời chào mua sim số đẹp hoặc các sản phẩm, dịch vụ bất động sản, bảo hiểm…

Trong thông báo đưa ra vào ngày 29/10, phía VinaPhone cho hay đây là những cuộc gọi tự động phát ra nội dung "Trung tâm sim số đẹp VinaPhone…".

Nhà mạng này khẳng định đây là các nội dung giả mạo VinaPhone hoặc tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) để làm phiền khách hàng và trục lợi.

Nạn lừa đảo viễn thông thường bùng phát dịp cuối năm và mỗi dịp có sự chuyển giao đầu số mới

Thực tế cho thấy, các cuộc gọi lừa đảo không phải mới xuất hiện, nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo rất nhiều tiền vì các đối tượng này.

Hồi cuối năm 2017, VNPT đã từng cảnh báo tình trạng một số đối tượng giả danh tập đoàn này nhắn tin mời người dùng sử dụng hoặc gia hạn các dịch vụ VNPT-CA (thông qua chứng thực chữ ký số), VNPT-BHXH (thực hiện giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử) qua các hình thức như email, điện thoại, tin nhắn.

Nguy hiểm hơn nữa, một số đối tượng còn đăng ký các loại tên miền, sử dụng logo dịch vụ của VNPT để thực hiện hành vi lừa đảo người dùng như thành lập các trang web với tên miền như: vnpt-bhxh.com.

Cùng với hiện tượng nêu trên, nhiều đối tượng còn tự nhận là nhân viên/đại lý của VinaPhone tại tỉnh/TP, để làm các loại giấy tờ hợp đồng, hóa đơn thu tiền để lừa gạt như yêu cầu thực hiện gia hạn hợp đồng,… gây ra thiệt hại cho người dùng.

Không chỉ giả danh nhà mạng viễn thông, nhiều đối tượng còn giả kênh truyền hình và một số cơ quan Nhà nước để lừa đảo khách hàng.

Thủ đoạn của bọn chúng là dùng chiêu báo tin trúng thưởng chương trình khuyến mãi của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình và đề nghị khách hàng ứng một khoản tiền để lĩnh thưởng nhằm chiếm đoạt.

Truyền hình cáp SCTV từng chia sẻ, trung tâm Chăm sóc Khách hàng (Call Center) của SCTV đã tiếp nhận nhiều thông tin từ khách hàng và một số chi nhánh về việc có nhiều đối tượng giả danh nhân viên SCTV để thực hiện hành vi lừa đảo.

Điển hình là trường hợp của anh Hữu (ở Bình Thuận) có gọi tới tổng đài chăm sóc khách hàng của SCTV và cho biết anh không sử dụng dịch vụ của SCTV, không tham gia bất kỳ một chương trình có thưởng nào của SCTV, nhưng mới đây anh nhận được cuộc gọi tới báo tin trúng giải một chương trình khuyến mãi của SCTV và họ đề nghị anh làm một số thủ tục để nhận giải thưởng lên tới 5 triệu đồng.

Trao đổi qua điện thoại, người gọi điện đề nghị anh phải đóng một mức phí nhất định hoặc mua kèm sản phẩm của họ mới được giải thưởng. Thấy biểu hiện đáng nghi, anh đã phản ánh về tổng đài của SCTV và được biết chương trình khuyến mãi trên là giả mạo.

Hay như vụ việc giả danh ngân hàng VietinBank để lừa đảo hồi năm 2016.  Một nhân viên Viettel nhận được cuộc gọi thông báo rằng số máy di động mà nhân viên này đang sử dụng được quay số đã trúng thưởng từ ngân hàng VietinBank, giá trị giải thưởng là 360 triệu đồng gồm 1 thẻ ATM trị giá 300 triệu đồng và 1 chiếc xe Lead trị giá 60 triệu đồng.

Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, nhân viên Viettel chủ động xin số hotline của ngân hàng để liên lạc thì chủ thuê bao đó tắt máy.

Một vụ việc khác về mạo danh cơ quan Nhà nước đó là vụ một công ty trong lĩnh vực điện thoại di động  nhận được email từ hộp thư bvntd.vca.gov.vn@gmail.com, tự xưng là người của hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cục Quản lý Cạnh tranh để đưa các thông tin chưa được kiểm chứng nhằm đạt mục đích cá nhân.

Theo các nhà mạng, đối tượng giả danh lừa đảo tích cực hoạt động vào thời điểm có sự chuyển giao đầu số điện thoại, khách hàng chưa kịp cập nhật.

Nhà mạng khuyến cáo

Trước tình hình lừa đảo ngày càng diễn biến phức tạp, các nhà mạng đều khuyến cáo khách hàng cẩn thận đề phòng trước các thủ đoạn mạo danh để lừa đảo đó.

Hiện tại cả ba mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đều có tổng đài chăm sóc khách hàng và website chính thức. Nếu có bất cứ thông tin nào nghi ngờ, khách hàng cần truy cập website để tìm hiểu thông tin hoặc gọi số tổng đài để được giải đáp thắc mắc.

Nhà mạng cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe các cuộc điện thoại từ đầu số lạ, đầu số nước ngoài vào ban đêm, không gọi lại các số này, không làm theo hướng dẫn của các cuộc gọi thoại và hộp thư trả lời tự động.

Đồng thời không chuyển tiền cho người lạ dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu gặp đối tượng lừa đảo, khách hàng cần liên hệ tổng đài của nhà mạng để xác minh và báo tin, hoặc báo ngay cho cơ quan công an gần nhất.

Nhằm tạo sự thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho người tiêu dùng, cục Quản lý cạnh tranh (bộ Công Thương) đã đưa vào vận hành tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 18006838, thiết lập địa chỉ hộp thư điện tử riêng bvntd@moit.gov.vn để tiếp nhận các yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng.

Trong trường hợp cần thông tin cụ thể, có thể truy cập vào website của cục Quản lý cạnh tranh tại địa chỉ  http://qlct.gov.vn, hoặc liên hệ tới phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cục Quản lý cạnh tranh, bộ Công Thương, 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại 04.2220.5022 hoặc gọi tới tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 18006838 (miễn phí).

H.Y (tổng hợp)