Dân sinh

10 ngày phong tỏa Đà Nẵng: Bài toán nào cho nỗi lo an sinh leo thang

Qua mỗi ngày phong tỏa, nhu cầu hàng hóa, lương thực thực phẩm để an sinh của người dân càng tăng cao. Từ đây, cần có bài toán chu toàn để giải quyết việc này.

Nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm "leo thang"?!

Ngày 22/8, Tp. Đà Nẵng bước vào ngày thứ 7 trong chuỗi 10 phong tỏa triệt để toàn thành phố. Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, ngành y tế địa phương hối hả triển khai đợt tổng xét nghiệm thứ 3 kể từ thời điểm phong tỏa (ngày 16/8).

Ngoài câu chuyện "bóc tách" F0 khỏi cộng động khi phong tỏa, bước sang ngày thứ 7, Tp. Đà Nẵng đang phải đối diện với nhiều bài toán nan giải, phát sinh. Đặc biệt nhất đó chính là chuyện an sinh, chuyện lương thực thực phẩm hàng ngày cho cả triệu dân.

Mỗi ngày phong tỏa, Tp. Đà Nẵng nhận hàng ngàn đơn hàng về nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Con số này tăng theo thời gian.

Số liệu Người Đưa Tin có được từ báo cáo của ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng thể hiện, tại quận Hải Châu, ngày 21/8, các phường tiếp nhận 1.127 đơn hàng từ các hộ dân, lũy kế từ 16/8 đến nay, các phường nhận 3.044 đơn hàng, trong đó đã giải quyết được 3.005 đơn. Số liệu đơn hàng của người dân này chưa tính các mặt hàng, quà khác từ nhà hảo tâm trao tặng.

Cũng như vậy, trong ngày 21/8, UBND các phường ở quận Cẩm Lệ tiếp nhận thông tin đăng ký mua hàng là 1.613 đơn, thay 225 bình gas; luỹ kế từ ngày 16/8 đến nay, 3.984 đơn đặt hàng, thay 535 bình gas.

Trong khi đó, đem so sánh những con số trên với 3 ngày trước đó. Cụ thể ngày 18/8, các phường trên địa bàn quận Hải Châu chỉ tiếp nhận 246 đơn hàng. Hoặc tính từ thời điểm bắt đầu phong tỏa ngày 16/8 đến ngày 18/6, các phường thuộc quận Hải Châu chỉ nhận vỏn vẻn 368 đơn hàng.

Rõ ràng, các con số biết nói cho thấy nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ an sinh cho người dân ở Tp.Đà Nẵng tăng lên chóng mặt theo từng ngày phong tỏa. Đây là điều thực tế hiển nhiên bởi hàng hóa người dân tích trữ trước đó ngày một vơi, và qua mỗi ngày, cuộc sống phát sinh nhiều thứ cấp bách khác.

Không chỉ người dân, bộ phận doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn, tổn thất gặp phải khi phong tỏa thành phố. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đang vướng mắc khi hoạt động theo nguyên tắc "3 tại chỗ".

Bài toán nào?

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, ban đầu Tp. Đà Nẵng triển khai công tác cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân những ngày phong tỏa thông qua ban điều hành tổ dân phố, khu dân cư. Họ chính là bộ phận như tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, các chi hội, mặt trận, đoàn thể ở dân cư. Người dân muốn mua hàng hóa chỉ cần đặt yêu cầu cho lực lượng này đi mua, giao nhận tại nhà.

Tuy nhiên, qua mỗi ngày phong tỏa, số lượng hàng hóa người dân đặt mua mỗi leo thang. Các lực lượng tổ dân phố, khu dân cư lại đa phần là người lớn tuổi đang có dấu hiệu quá tải trong cung ứng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân.

Đội ngũ shipper được Đà Nẵng cho phép hoạt động trở lại nhằm giải bài toán quá tải cho các lực lượng tổ dân phố, khu dân cư.

Trước thực trạng trên, từ ngày 21/8, Tp. Đà Nẵng đã phép hoảng 1.000 shipper hoạt động trở lại. Đội ngũ shipper là phương án mà địa phương này dùng để giảm tải cho các lực lượng tổ dân phố, khu dân cư khi bộ phận này đang có dấu hiệu quá tải trong cung ứng lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân.

Còn theo chính quyền quận Ngũ Hành Sơn, địa phương này đang xây dựng phương án khôi phục chợ truyền thống là chợ Khuê Mỹ, chợ Non Nước trên nguyên tắc xác định “vùng xanh” để thiết lập chợ. 

Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng, để đưa ra quyết định phong tỏa toàn thành phố 7 ngày và kéo dài từ 7 ngày lên 10 ngày là quyết định khó, phải cân nhắc nhiều. Trong đó, địa phương đã có các biện pháp hỗ trợ người dân, đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho người dân.

Theo ông Chinh, tới đây bài toán sau ngày 26/8, tức sau khi hết thời gian 10 ngày phong tỏa lại là khó hơn rất nhiều. Dù vậy, Tp. Đà Nẵng đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng người dân vẫn là trên hết, trước hết.

"Đảm bảo tính mạng người dân và sự ổn định an sinh xã hội, cộng đồng doanh nghiệp cho toàn thành phố là một bài toán khó. Khi đưa ra các quyết định, lãnh đạo thành phố rất áp lực nhưng điều cuối cùng lãnh đạo thành phố quan tâm là nhân dân được gì, thành phố ổn định như thế nào”, ông Chinh nói.

Với những khó khăn của bộ phận doanh nghiệp, Chủ tịch Đà Nẵng bày tỏ chia sẻ trên tinh thần đồng hành với doanh nghiệp. Ông Chinh đề nghị ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp có trách nhiệm làm việc, giải thích các thắc mắc để doanh nghiệp tiếp tục cố gắng, có phương án giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu, các địa phương đảm bảo phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân. Trong đó, Đà Nẵng đã thông qua chủ trương gói hỗ trợ cho 150.000 hộ dân với trị giá gần 100 tỷ đồng để đảm bảo đời sống cho người dân trong giai đoạn Đà Nẵng phong tỏa tiếp theo.